UBTVQH thảo luận dự án Luật Bình đẳng giới

31/03/2006
Hôm qua, 30-3, phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục làm việc, xem xét 2 dự án Luật Bình đẳng giới và Luật Tiêu chuẩn hóa.

Với tinh thần loại bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, dự án Luật Bình đẳng giới lần này tiếp tục đề cập tới vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Dự thảo luật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình lên UBTVQH đưa ra 3 phương án: (1) tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau, nhưng nữ có thể nghỉ sớm hơn 5 năm mà không bị trừ phần trăm lương hưu; (2) chỉ quy định tuổi nghỉ hưu như nhau đối với nam, nữ cán bộ, công chức, viên chức; (3) tuổi nghỉ hưu của nữ cán bộ, công chức, viên chức trong một số lĩnh vực, ngành, nghề do Chính phủ quy định.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng: Điều kiện kinh tế - xã hội hiện đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, sức khỏe và tuổi thọ của phụ nữ ngày càng được nâng lên. Do đó, đã đến lúc không nên duy trì chính sách khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong UBTVQH cho rằng, nếu đề cập vấn đề này, cần xem xét tổng thể hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động (tuổi nghỉ hưu của nam là 60, của nữ là 55). Nhiều ý kiến đồng tình với phương án 3 của dự thảo luật là nên giao cho Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu của nữ trong một số lĩnh vực, ngành, nghề; vì nếu quy định một cách “cào bằng” thì trên thực tế sẽ rất khó thực hiện.

Thảo luận về dự án Luật Tiêu chuẩn hóa, UBTVQH nhất trí với tinh thần tờ trình của Chính phủ là đổi mới toàn diện hoạt động tiêu chuẩn hóa, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình thông qua nguyên tắc tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn và chủ động công bố hợp chuẩn; cơ chế bắt buộc áp dụng chỉ thực hiện với hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật do bộ, ngành, địa phương ban hành trong từng lĩnh vực chuyên ngành.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa. Hệ thống tiêu chuẩn được đơn giản hóa thành 2 cấp: quốc gia và cơ sở.

(SGGP)