Thực hiện Chương trình công tác năm 2007, trong 6 tháng đầu năm công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh Cà Mau đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản.
Từ đầu năm 2007 UBND tỉnh ban hành quyết định về chương trình ban hành văn bản QPPL của UBND tỉnh năm 2007 gồm 77 văn bản (68 quyết định và 09 chỉ thị); HĐND tỉnh chương trình ban hành nghị quyết năm 2007 gồm 20 văn bản. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh duy trì được công tác này.
Trong lĩnh vực soạn thảo văn bản, để tham mưu giúp UBND tỉnh Sở Tư pháp phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn việc xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đến nay UBND tỉnh ban hành 13 quyết định. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã trực tiếp soạn thảo 06 văn bản QPPL (03 quyết định, 01 chỉ thị của UBND tỉnh và 02 nghị quyết của HĐND tỉnh); phối hợp Sở Xây dựng dự thảo quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình. Các ngành cấp huyện soạn thảo 79 văn bản.
Công tác thẩm định, góp ý, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương ngày càng được tăng cường, đảm bảo về quy trình, thời gian theo quy định và đạt hiệu quả. Sở Tư pháp đã thẩm định 44 dự thảo văn bản QPPL (tăng 34 văn bản so cùng kỳ năm 2006); góp ý 16 dự thảo văn bản (tăng 77% so cùng kỳ năm 2006), trong đó có 14 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương. Phòng Tư pháp cấp huyện thẩm định 21 văn bản. 6 tháng đầu năm Sở Tư pháp nhận 26 văn bản của UBND tỉnh để tự kiểm tra gồm 17 quyết định và 07 chỉ thị (tăng 07 văn bản so cùng kỳ 2006). Kết quả phát hiện 02 quyết định và 07 chỉ thị ban hành đúng thẩm quyền nhưng sai về thể thức. Phòng Tư pháp cấp huyện tiến hành tự kiểm tra 22 văn bản và kiểm tra theo thẩm quyền 60 văn bản, phát hiện có 06 văn bản ban hành sai thể thức và kỹ thuật trình bày
Sở Tư pháp cũng phối hợp với các ngành có liên quan rà soát các văn bản QPPL thực hiện Nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO… với 17 văn bản có liên quan (03 Nghị quyết, 14 quyết định). Công tác rà soát đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo kịp thời xử lý các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Hoàn thành công tác rà soát văn bản QPPL năm 2006, kết quả xác định có 71 văn bản còn hiệu lực (27 nghị quyết, 40 quyết định và 04 chỉ thị); 38 văn bản hết hiệu lực thi hành (08 nghị quyết, 28 quyết định và 02 chỉ thị); Sở đang trình HĐND và UBND tỉnh công bố theo quy định. Bước đầu lên danh mục mẫu 1 rà soát văn bản QPPL của quý I/2007 gồm 06 văn bản (05 quyết định và 01 chỉ thị).
Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm công tác văn bản ở Cà Mau đã được các ngành các cấp quan tâm chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả tích cực, nhất là việc xây dựng các nghị quyết phục vụ kỳ họp thứ 9 sắp tới của HĐND tỉnh. Văn bản QPPL được chủ động triển khai việc soạn thảo theo chương trình kế hoạch dự kiến. Chất lượng và kỹ thuật soạn thảo văn bản có bước nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Việc ban hành chương trình lập quy của UBND tỉnh năm 2007 chậm dẫn đến thực hiện còn khó khăn. Vai trò tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh ban hành văn bản QPPL của một số sở, ngành còn chậm; một số văn bản quan trọng chưa được ban hành kịp thời so với tiến độ đặt ra…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác văn bản ở địa phương trong 6 tháng cuối năm và thời gian sắp tới, ngành tư pháp Cà Mau đã có những giải pháp cụ thể để tham mưu giúp UBND tỉnh và phối hợp các ngành triển khai công tác này như: tiếp tục chỉ đạo, phối hợp tổ chức tập huấn chuyên sâu kỹ năng về văn bản cho cán bộ các ngành các cấp, nhất là ở cấp huyện và cơ sở; thành lập các đoàn công tác kiểm tra văn bản QPPL ở cơ sở, kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực; phát huy vai trò của cán bộ pháp chế sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước; của đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản…nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
Nguyễn Sơn