Sở Tư pháp Tiền Giang: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2023

27/07/2023
Sở Tư pháp Tiền Giang: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2023
Nhằm để đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp theo kế hoạch đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và bàn bạc, thảo luận các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ còn lại của năm 2023, sáng ngày 26/7/2023, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023. Ông Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị; cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc sở; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo 11/11 Phòng Tư pháp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành tư pháp tỉnh Tiền Giang đã đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 trình UBND cùng cấp phê duyệt và triển khai thực hiện trên tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; một số kết quả cụ thể như sau: đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện xong 29/29 nhiệm vụ khác (đạt 100%) được UBND tỉnh giao; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác pháp chế (lĩnh vực: xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý vi phạm hành chính) nhằm làm rõ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là các hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý vi phạm hành chính trong thời gian sắp tới; tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 03/3/2023 về tăng cường thực hiện công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND ngày 27/01/2023 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phối hợp với các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện được 9.945 cuộc tuyên truyền cho 221.958 lượt người, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân; thực hiện 05 kỳ Chương trình truyền hình trực tiếp “Pháp luật với đời sống”, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang hoàn chỉnh các kịch bản 04 tiểu phẩm phục vụ Chương trình Pháp luật với đời sống các tháng 5, 6, 7, 8/2023; Phối hợp Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học viên cai nghiện tại cơ sở được 02 cuộc với khoảng 400 học viên; biên soạn, in và phát hành 2.000 quyển Thông tin pháp luật Xuân 2023; biên soạn tài liệu sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng và đăng tải (20 bài viết) trên Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tiền Giang; gửi 10 bài tuyên truyền pháp luật đăng trên mục Thực thi Hiến pháp của Báo Ấp Bắc, 05 bài tuyên truyền pháp luật đăng trên Tờ Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy... Biên soạn tài liệu tuyên truyền lĩnh vực an toàn giao thông theo đối tượng gửi Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền đến từng đối tượng; các tổ hòa giải đã tiếp nhận 310 vụ việc, trong đó hòa giải thành 289 vụ việc, đạt 93,2% (tăng 5,41% so với cùng kỳ)…Nhìn chung, công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp luôn đảm bảo kịp thời. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực; công tác theo dõi thi hành pháp luật được triển khai theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính và bổ trợ tư pháp tiếp tục được nâng cao; giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Hoạt động trợ giúp pháp lý luôn được tăng cường, đảm bảo phục vụ kịp thời các yêu cầu của các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung chính như: tình hình triển khai tập huấn, bổi dưỡng: Tư pháp - Hộ tịch, Hòa giải viên, Tuyên truyền viên, Báo cáo viên pháp luật…; tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; những định hướng trong hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11 năm 2023; việc triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử; số hóa sổ hộ tịch các giai đoạn còn lại; quản lý công tác chứng thực, tình hình nhân sự, hoạt động tăng cường quản lý công tác chứng thực sau các sai phạm trong chứng thực vừa qua; những bất cập, chưa phù hợp của các thủ tục hành chính qua thực tiễn; những vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến ngành (những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân qua quá trình thực hiện trực tiếp/ trực tuyến); tình hình hoạt động, dư luận về hoạt động của các tổ chức xã hội hóa ở địa bàn: như văn phòng công chứng, Thừa Phát lại, luật sư…; việc thu phí, thù lao công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng…
Kết luận Hội nghị, Ông Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các đại biểu tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, trao đổi nghiệp vụ của các đồng chí Phó Giám đốc Sở trên các lĩnh vực; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong các kế hoạch, báo cáo đã được phê duyệt, ban hành; phát huy những thành tích đã đạt được và phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ công tác tư pháp và những nhiệm vụ khác được cấp ủy, UBND tin tưởng giao cho ngành; Trong đó: (1) Công tác tổ chức vốn là thế mạnh của tỉnh trong suốt nhiều năm cần được duy trì và từng bước nâng lên. Không chỉ là đủ số lượng, đáp ứng tiêu chuẩn mà cần sự ổn định, tăng dần về chất lượng và nhất là kỷ luật, kỷ cương cần được bảo đảm. (2) Những vướng mắc từ cơ sở phải nhanh chóng được các đơn vị thuộc sở và Phòng Tư pháp phối hợp giải quyết dứt điểm; phải xem việc giải quyết khó khăn, vướng mắc là việc chung, trách nhiệm của các bên; kịp thời báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Sở. (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Không nói chung chung và làm theo lối mòn, cần đảm bảo thực chất và hiệu quả. (4) Những nội dung đã có kế hoạch hoặc chỉ đạo thực hiện như: Số hóa sổ hộ tịch, chứng thực bản sao điện tử, các thủ tục hành chính liên thông liên quan thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử...cần đảm bảo đúng theo quy định; khó, vướng cụ thể và cùng nhau bàn cách tháo gỡ. (5) Chú trọng tuyên truyền pháp luật bằng truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội...(6) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Văn phòng Sở Tư pháp