Việt Nam – Lào: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới

12/09/2022
Việt Nam – Lào: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên giới
Thực hiện các Thoả thuận hợp tác đã được ký kết, nhiều hoạt động hợp tác giữa Sở Tư pháp địa phương có chung đường biên giới Việt Nam – Lào đã được triển khai và thực hiện hiệu quả.
Tăng cường tổ chức các cuộc thi, hội nghị tập huấn, hội thảo, toạ đàm
Để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại các địa phương nói chung và các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào nói riêng, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan tăng cường tổ chức các cuộc thi, hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm; biên soạn, đăng tải trên Trang Thông tin về PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 200 câu hỏi đáp pháp luật dành cho hòa giải viên người dân tộc thiểu số (dịch sang tiếng Tày); phối hợp với UNICEF xây dựng và phát hành 12.000 tờ gấp, truyện tranh phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào dân tộc thiểu số (dịch sang tiếng Mông, tiếng Thái).
Năm 2019, Sở Tư pháp Sơn La đã phối hợp với tỉnh Hủa Phăn, Lào tổ chức Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL tại khu vực biên giới Việt Nam-Lào cho nhân dân tại địa bàn biên giới giữa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn bằng 02 thứ tiếng Lào và Việt; Sở Tư pháp Thanh Hóa tổ chức 04 Hội nghị triển khai văn bản Luật mới cho cán bộ chủ chốt của 5 huyện có biên giới Việt - Lào…
Là một địa phương có đường biên giới tiếp giáp 3 tỉnh của nước bạn Lào, tỉnh Nghệ An cũng đề ra nhiều hình thức phù hợp và mô hình hiệu quả để PBGDPL cho người dân khu vực biên giới, như xây dựng chuyên đề dài kỳ về tuyên truyền pháp luật. Sở đã tổ chức 161 đợt truyền thông, thông tin về TGPL đến tận 437 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn; biên soạn và phát hành 11.000 tờ gấp bằng tiếng dân tộc tuyên truyền pháp luật về hộ tịch, hôn nhân gia đình...; 7.000 cuốn sách hỏi đáp pháp luật cần cho người dân cơ sở; 5.000 cuốn sách về cẩm nang Hòa giải cơ sở; 10.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về ma túy, tội phạm, giao thông…
Đặc biệt, các huyện có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào đã thực hiện nhiều hình thức PBGDPL cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như tập huấn tuyên truyền pháp luật, xét xử lưu động, Tủ sách pháp luật, cuộc thi tìm hiểu pháp luật... với nội dung phong phú, thiết thực với sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân dân. Qua các Hội nghị giao ban thường niên với các huyện chung biên giới với Lào và qua công tác kiểm tra, kiểm soát, nhân dân hai bên biên giới đã chấp hành nghiêm các hiệp định, hiệp nghị và quy chế biên giới và thực hiện nghiêm Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.
Đổi mới phương thức truyền thông về TGPL
Bên cạnh đó, công tác TGPL và tư vấn pháp lý cho người dân vùng biên tại các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào cũng được quan tâm, chú trọng. Hằng năm, các tỉnh đều đa dạng hóa và đổi mới các phương thức truyền thông về TGPL phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các tổ chức thực hiện TGPL đã tiếp nhận 18.707 vụ việc TGPL cho người Việt Nam thuộc diện được TGPL tại 10 tỉnh giáp biên giới với Lào.
Chẳng hạn, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên đã tổ chức thực hiện 37 đợt TGPL lưu động và truyền thông về TGPL tại 280 thôn bản của 55 xã thuộc 04 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên và thu hút được 22.474 lượt người tham dự; thực hiện tư vấn, TGPL miễn phí 1.030 việc cho người dân có đơn yêu cầu TGPL. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL thực hiện trên 2.200 vụ việc tham gia tố tụng; trong đó vụ việc xảy ra tại vùng biên giới chiếm trên 60%, chủ yếu vụ việc liên quan đến hành vi tổ chức đưa người đi nước ngoài, tội phạm liên quan đến chất ma túy.
Cùng với đó, thông qua việc trao đổi Đoàn, hai Bên đã trao đổi, cung cấp thông tin về TGPL của Việt Nam đối với Sở Tư pháp các tỉnh Bắc Lào; đồng thời đề nghị cung cấp những quy định của pháp luật về hộ tịch của Lào cho Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên để hướng dẫn công dân làm hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện hiệp định biên giới, tăng cường quan hệ hữa nghị đặc biệt giữa 2 bên.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với các địa phương của Lào, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã rất tích cực phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Chăm-pa-sắc và Sở Tư pháp tỉnh Ăt-ta-pự của nước bạn Lào để xây dựng và triển khai các Bản thỏa thuận hợp tác trong từng giai đoạn, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và TGPL được quan tâm, chú trọng. Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức đoàn công tác sang làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Chăm-pa-sắc trong thời gian qua để trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực tuyên truyền, PBGDPL, thanh tra, hành chính và bổ trợ tư pháp, công chứng, TGPL, đấu giá tài sản…
Với ý nghĩa của hoạt động TGPL và thành quả về công tác TGPL cho nhân dân vùng biên giới đã đạt được trên địa bàn các tỉnh có đường chung đường biên giới thời gian qua; trong tương lai gần khi Lào hoàn thiện thể chế, thiết chế liên quan đến chế định TGPL sẽ là cơ sở để các tỉnh của Việt - Lào thiết lập và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về TGPL nói riêng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế về tư pháp, pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tích cực đăng ký hộ tịch cho người dân di cư tự do
Tính đến thời điểm năm 2019, trên cơ sở danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước Việt Nam và Lào phê duyệt, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực chỉ đạo các Sở Tư pháp hướng dẫn người dân lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và đã hoàn tất thủ tục trình Chủ tịch nước xem xét, ra Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 1.439/1.836 trường hợp được phê duyệt. Sau khi Thỏa thuận hết hiệu lực, căn cứ ý kiến thống nhất của hai Bên, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chủ tịch nước ra Quyết định cho phép 77/397 trường hợp còn lại được nhập quốc tịch Việt Nam.
Ở cấp địa phương, Sở Tư pháp các tỉnh và các cơ quan liên quan đã phối hợp với cơ quan tư pháp các tỉnh đường biên của Lào để khảo sát, thống kê, rà soát, phân loại, lập danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai Bên và trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước xem xét, phê duyệt danh sách; thành lập các Tổ công tác liên ngành để giải quyết việc nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho người dân di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật về hộ tịch, quốc tịch và nội dung Thoả thuận cho nhân dân ở khu vực biên giới dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đơn cử, Sở Tư pháp Quảng Bình đã thường xuyên tăng cường hợp tác trong công tác đăng ký và thống kê hộ tịch; tổ chức hội đàm và ký kết biên bản thỏa thuận với Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muộn, Lào về các lĩnh vực của công tác Tư pháp, trong đó có công tác hộ tịch, quốc tịch cho người dân của hai tỉnh ở khu vực biên giới; thực hiện tuyên truyền, phổ biến để các đối tượng đủ điều kiện được đăng ký hộ tịch và nhập quốc tịch theo đúng quy định.
Từ tháng 12/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 03 trường hợp có bố hoặc mẹ là người Lào; đăng ký khai tử cho 01 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 01 trường hợp có quốc tịch Lào. Hiện nay, Sở Tư pháp đang tiếp tục rà soát và đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn đối với 32 trường hợp có liên quan đến đối tượng sinh sống ở vùng biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch và quốc tịch để thực hiện đăng ký hộ tịch và nhập quốc tịch.
Nhìn chung, các công dân đã được đăng ký các sự kiện hộ tịch có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành, được giải quyết các chế độ, chính sách nhằm đảm bảo quyền công dân để ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa bàn nơi cư trú. Có thể nói, việc triển khai các hoạt động hợp tác trên đã góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng và bình đẳng giữa các tỉnh biên giới nói chung và hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các Sở Tư pháp các tỉnh đường biên của hai nước nói riêng.
Tại Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 5 được tổ chức tại Nghệ An vừa qua, lãnh đạo hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào đã thống nhất đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, PBGDPL, TGPL bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo nhằm giúp công dân hai nước sinh sống ở khu vực đường biên nắm bắt và hiểu biết đầy đủ nội dung các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa hai nước có liên quan đến khu vực biên giới. Từ đó tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, không vi phạm pháp luật để phải bị xử lý; biết vận dụng, sử dụng pháp luật để tham gia các quan hệ xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thiên Thanh