Thông qua kết luận vụ “UBND xã Nghĩa Hà khai tử người còn sống”

25/05/2007
Sau thời gian khẩn trương làm việc, chiều ngày ngày 24/5/2007, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tổ chức thông qua kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử tại UBND xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi trong vụ việc “UBND xã Nghĩa Hà khai tử người còn sống” được dư luận quan tâm.

Báo cáo kết luận thanh tra nêu rõ: Từ năm 1989 đến năm 2007, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hà đã bố trí 03 cán bộ chuyên trách phụ trách công tác Tư pháp hộ tịch để giúp UBND xã thực hiện việc quản lý và đăng ký các sự kiện hộ tịch xảy ra tại địa phương. Từ năm 1989 đến ngày 15 tháng 03 năm 2007, UBND xã Nghĩa Hà đã đăng ký khai tử cho 505 trường hợp, cán bộ Tư pháp hộ tịch thực hiện ghi vào 19 quyển sổ đăng ký khai tử hiện đang lưu trữ tại UBND xã Nghĩa Hà. Nhìn chung, khi giải quyết đăng ký các sự kiện hộ tịch cho công dân cán bộ Tư pháp hộ tịch thực hiện ghi vào sổ đăng ký hộ tịch theo đúng quy định, thực hiện đăng ký kép (hai quyển sổ), hàng năm khóa sổ và đưa vào lưu trữ theo đúng quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, sự việc được phát hiện khi cuối năm 2006, một số em học sinh đang học lớp 12 không làm được giấy Chứng minh nhân dân để chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi vào các trường Đại học và Cao đẳng, lý do là vì: tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh không đúng với tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh trong tàng thư hộ khẩu; hoặc có trường hợp không có tên trong hồ sơ lưu hộ khẩu do Công an huyện Tư Nghĩa đang quản lý. Trước những yêu cầu bức xúc của các em học sinh và của nhiều công dân, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hà tổ chức cuộc họp chỉ đạo cho cán bộ Tư pháp hộ tịch và Công an xã phối hợp với Công an huyện Tư Nghĩa tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ lưu về hộ khẩu mà xã đang quản lý đã tổng hợp được danh sách 118 trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh hai lần, trong đó có một số trường hợp đã được gia đình và UBND xã đăng ký khai tử, báo tử cho trẻ em đó, các trường hợp còn lại thì gia đình không đăng ký khai tử nhưng đăng ký khai sinh lần thứ hai cho trẻ em với một tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác. Hiện nay, trong hồ sơ của các em học sinh đang theo học ở các trường phổ thông có tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác với tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh trong tàng thư Hộ khẩu do Công an huyện Tư Nghĩa quản lý.

Những sai phạm của UBND xã Nghĩa Hà trong đăng ký khai tử và đăng ký khai sinh cho trẻ em.  

Trên cơ sở danh sách của UBND xã Nghĩa Hà cung cấp, Đoàn thanh tra đã tổng hợp và tiến hành kiểm tra, đối chiếu giữa sổ đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử, trực tiếp đối thoại với gia đình của các em học sinh. Trong tổng số 118 trường hợp thì có một trường hợp em Đặng Thị Kim Thời, sinh ngày 16-08-1992 ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà là chết thật, có 03 trường hợp gia đình cho biết thực tế trẻ em là anh, chị, em với nhau (hai trẻ em). Như vậy, tổng hợp danh sách còn lại là 114 trường hợp, qua kiểm tra Đoàn thanh tra đã phát hiện UBND xã Nghĩa Hà vi phạm các quy định như: 

Đăng ký khai tử cho trẻ em còn sống

Kiểm tra sổ đăng ký khai tử đang lưu tại UBND xã Nghĩa Hà từ năm 1995 đến năm 2006, UBND xã Nghĩa Hà đã đăng ký khai tử cho 31 trẻ em còn sống với lý do là đau chết thể hiện trong sổ đăng ký khai tử như trường hợp của em Phạm Phú Đạt sinh ngày 28-07-1992, đã đăng ký khai sinh ngày 22-02-1993, số đăng ký 44, quyển 01/1993, đến ngày 06-08-1997 UBND xã Nghĩa Hà đăng ký khai tử cho Phạm Phú Đạt số đăng ký 11, quyển số 01/1997 và cùng ngày 06-08-1997 UBND xã Nghĩa Hà lại đăng ký khai sinh lần thứ hai tên là Phạm Đức Đại, sinh ngày 28-07-1991, số đăng ký 218, quyển số 01/1997. 

Bên cạnh việc đăng ký khai tử cho trẻ em còn sống được ghi vào sổ đăng ký khai tử, UBND xã Nghĩa Hà đã cấp 11 Giấy chứng tử cho trẻ em còn sống nhưng không vào sổ đăng ký khai tử (năm 1995 cấp 08 trường hợp; năm 1996 cấp 02 trường hợp; năm 2000 cấp 01 trường hợp). Qua xác minh của Đoàn Thanh tra thì mục đích của việc cấp Giấy chứng tử không hợp lệ là để cho công dân làm thủ tục báo cho cơ quan Công an xóa tên của trẻ em trong sổ Hộ khẩu và hồ sơ lưu về Hộ khẩu. Sau đó đăng ký khai sinh lần thứ hai và làm thủ tục nhập khẩu cho trẻ em với một tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác.         

Cấp Giấy báo tử sai quy định. 

Trong 2 năm 1996 và 1997 UBND xã Nghĩa Hà đã cấp 19 Giấy báo tử cho trẻ em với lý do là đau chết để Công an xã làm thủ tục báo lên Công an huyện Tư Nghĩa xóa tên của trẻ em trong tàng thư Hộ khẩu, sau đó UBND xã Nghĩa Hà thực hiện đăng ký khai sinh lần thứ hai và gia đình làm thủ tục nhập khẩu cho trẻ em với một tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác.  

Đoàn Thanh tra đã làm việc với ông Lê Thanh Long, nguyên là cán bộ phụ trách công tác hộ tịch, ông cho biết: UBND xã cấp Giấy chứng tử nhưng ông không vào sổ đăng ký khai tử là vì nếu đăng ký khai tử cho trẻ em ở địa phương quá nhiều, khi kiểm tra sổ đăng ký khai tử thì Phòng Tư pháp huyện Tư Nghĩa sẽ phát hiện, do vậy có trường hợp ông vào sổ khai tử và có trường hợp ông không vào sổ, nhưng vẫn ghi số và quyển số đầy đủ trong Giấy chứng tử (số khống). Còn việc cấp Giấy báo tử cho trẻ em, ông Long biết là sai với quy định nhưng vẫn tham mưu cho lãnh đạo UBND xã ký Giấy báo tử với mục đích là để gia đình báo với Công an xóa tên của trẻ em đó trong Hộ khẩu và đăng ký khai sinh mới lần thứ hai cho trẻ em đó với một tên, chữ đệm và ngày, tháng, năm sinh khác để cho các em đủ tuổi vào học lớp một.  

Đặc biệt trường hợp của Nguyễn Thị Viên sinh ngày 30-05-1995, nhưng UBND xã Nghĩa Hà đã đăng ký khai tử cho Nguyễn Thị Viên ghi chết ngày 27-08-1994 (ngày chết trước ngày sinh), ngày đăng ký 09-11-2004, số đăng ký 27, quyển số 01/2004. Ngày 25-07-2000 UBND xã đăng ký khai sinh mới lần thứ hai tên là Nguyễn Thị Ngọc Viễn sinh ngày 01-02-1994, số đăng ký 188, quyển số 02/2000.

 Đăng ký khai sinh lần thứ hai cho trẻ em trái quy định của pháp luật. 

Theo quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh thì người đi khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh do cơ sở Y tế nơi trẻ em sinh ra cấp, nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở Y tế thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Khi đăng ký khai sinh, cán bộ Tư pháp hộ tịch thực hiện ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Mặc dù pháp luật đã quy định, nhưng UBND xã Nghĩa Hà không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh, trẻ em sinh ra được gia đình đi khai sinh, UBND xã đã đăng ký khai sinh cho trẻ em theo họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh mà gia đình đã khai, sổ bộ đăng ký khai sinh còn lưu tại UBND xã. Nhưng để cho trẻ em đủ tuổi vào học lớp một, theo yêu cầu của cha, mẹ các em học sinh, UBND xã Nghĩa Hà đăng ký khai sinh lần thứ hai cho trẻ em với một tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác là trái quy định của pháp luật, hiện nay trong sổ lưu đăng ký khai sinh của UBND xã Nghĩa Hà tồn tại hai tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh nhưng trên thực tế cha, mẹ của các em xác nhận chỉ có một người. 

Trong danh sách 114 trường hợp đã được UBND xã Nghĩa Hà đăng ký khai sinh lần thứ nhất, Đoàn thanh tra thực hiện đối chiếu, rà soát và tìm được 113 trường hợp UBND xã Nghĩa Hà đăng ký khai sinh lần thứ hai với một tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh khác cho trẻ em (trong đó có 61 trường hợp UBND xã đã cấp Giấy chứng tử và Giấy báo tử), còn lại 01 trường hợp không tìm được đăng ký khai sinh lần thứ hai, đó là trường hợp Võ Thị Thái Hóa, sinh năm 1990, nhưng trong sổ lưu đăng ký khai sinh của UBND xã Nghĩa Hà không có tên Võ Thị Thái Hóa. 

Giải quyết đăng ký lại việc sinh không đúng quy định của pháp luật. 

Ngày 07-11-2006, UBND xã Nghĩa Hà giải quyết cho Nguyễn Thị Hiếu, sinh ngày 02-10-1989 đăng ký lại việc sinh không đúng quy định. Bởi vì trong sổ đăng ký khai sinh năm 1992, quyển số 02, số đăng ký 12, ngày 22-07-1992 UBND xã Nghĩa Hà đã đăng ký khai sinh cho Nguyễn Đặng Thị Minh Hiếu, sinh ngày 20-10-1990 hiện nay sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ.  

Theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ thì người yêu cầu đăng ký lại việc sinh phải nộp Tờ khai đăng ký lại việc sinh (theo mẫu quy định), nhưng kiểm tra hồ sơ lưu đăng ký lại việc sinh thì cán bộ Tư pháp hộ tịch của UBND xã không hướng dẫn công dân làm Tờ khai, năm 2006 có 01 trường hợp và năm 2007 có 06 trường hợp không lưu Tờ khai đăng ký lại việc sinh.  

Ngoài ra, những sai sót của cán bộ Tư pháp hộ tịch còn thể hiện khi thực hiện ghi vào sổ hộ tịch và  không thực hiện bàn giao hồ sơ hộ tịch. 

Khi cấp Giấy khai sinh cho công dân và ghi vào sổ đăng ký khai sinh cán bộ Tư pháp hộ tịch đã ghi bị sai sót như trường hợp của Phạm Đức  Đại, sinh ngày 28-07-1991, nhưng Giấy khai sinh lại ghi tên là Phạm Quốc Đại. Trường hợp giấy khai sinh cấp cho công dân tên là Trần Hiền sinh ngày 10-01-1991, nhưng trong sổ khai sinh tên là Trần Thị Hiền.  

          Những sai phạm của UBND xã Nghĩa Hà trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, đã gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch của địa phương. Cán bộ Tư pháp hộ tịch và lãnh đạo của UBND xã không nắm được các sự kiện hộ tịch xảy ra ở địa phương mình, hiện nay trường hợp của Nguyễn Thị Viên ở thôn Kim Thạch xã Nghĩa Hà, Đoàn thanh tra đã mời gia đình trực tiếp đối thoại hai lần nhưng gia đình vẫn cho rằng Nguyễn Thị Viên đã chết, nhưng theo tài liệu mà Đoàn thanh tra tổng hợp được thì UBND xã sai sót trong đăng ký khai tử, nên Nguyễn Thị Viên vẫn còn sống và đăng ký khai sinh lần thứ hai tên là Nguyễn Thị Ngọc Viễn. Có hai trường hợp thì em lấy Giấy khai sinh của chị để nộp đi học, có 10 trường hợp Đoàn thanh tra đã hai lần mời cha, mẹ của các em đến để giải quyết, nhưng gia đình không đến. Trong danh sách mà Đoàn thanh tra tổng hợp thì 03 trường hợp UBND xã Nghĩa Hà không đăng ký khai tử và không cấp giấy báo tử, nhưng trong tài liệu lưu về Hộ khẩu tại Công xã quản lý thì các em đã bị xóa tên với lý do là đau chết.           

Qua  nội dung kết luận, Sở Tư pháp đã kiến nghị Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với những cán bộ, công chức đã sai phạm trong việc đăng ký khai tử cho trẻ em còn sống và thực hiện đăng ký khai sinh lần thứ hai cho trẻ em trái với quy định của pháp luật. Đề nghị UBND huyện Tư Nghĩa chỉ đạo UBND xã Nghĩa Hà nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với những cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch. Xem xét và có hình thức xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với những cán bộ, công chức của UBND xã Nghĩa Hà đã sai phạm trong việc đăng ký khai tử cho trẻ em còn sống và thực hiện đăng ký khai sinh lần thứ hai cho trẻ em trái với quy định của pháp luật. đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn đối với cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới theo quy định của pháp luật.  Kiến nghị Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cho Đảng ủy xã Nghĩa Hà kiểm điểm đối với những đồng chí Đảng viên nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ Tư pháp hộ tịch và các đồng chí Đảng viên đương nhiệm đã hướng dẫn và đăng ký khai tử cho trẻ em còn sống, đăng ký khai sinh trái với quy định của pháp luật. 

Đối với những giấy tờ hộ tịch do UBND xã Nghĩa Hà cấp trái với quy định của pháp luật, đề nghị UBND huyện Tư Nghĩa và UBND xã Nghĩa Hà thực hiện đúng theo điểm 3 nội dung Công văn số 836/UBND-NC ngày 28-03-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về chỉ đạo giải quyết các trường hợp đăng ký khai sinh và khai tử trái pháp luật ở xã Nghĩa Hà.         

Sau khi xem xét những ý kiến phản hồi từ phía UBND xã Nghĩa Hà và những cá nhân liên quan, Sở Tư pháp sẽ hoàn chỉnh nội dung kết luận thanh tra báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

MT