Trong 03 ngày, từ ngày 07-09/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra kỳ họp thứ 21, kỳ họp cuối năm 2020. Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã giành thời gian để thảo luận các đề án, dự thảo nghị quyết và biểu quyết thông qua 20 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 116/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về việc phê duyệt Đề án số 14/ĐA-UBND ngày 26/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là: Nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL của các cấp, các ngành trong giai đoạn mới; đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; hướng mạnh hoạt động PBGDPL về cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền đô thị thông minh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên cơ sở tập trung đánh giá về sự cần thiết ban hành, Đề án đưa ra các mục tiêu, hoạt động chủ yếu, giải pháp và kinh phí thực hiện. Đề án cũng đề ra lộ trình và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Thời gian thực hiện Đề án là 05 năm, từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng kinh phí thực hiện Đề án cả giai đoạn là: 22.200.000.000 đồng (Hai mươi hai tỷ hai trăm triệu đồng chẵn) để các cấp, các ngành tổ chức triển khai các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở.
Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 là phù hợp với quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012; văn bản số 2680-CV/TU ngày 21/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả hơn góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22.
Mai Hoa