Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu: Đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tư pháp

12/10/2020
Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu: Đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tư pháp
Nhờ tăng cường triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy lợi thế, sức mạnh của công nghệ đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của tư pháp tỉnh Lai Châu.
Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa là xu hướng chung của thế giới, không một quốc gia hay một nền kinh tế nào tồn tại riêng lẻ, tách biệt. Để đảm bảo cho vấn đề này, Chính phủ đã xác định xây dựng thành công Chính phủ điện tử là khâu đột phá và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phù hợp với thời kỳ hội nhập, mà trước hết phải là ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp cho người dân, các tổ chức  và doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước được nhanh chóng và thuận tiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT với nhiệm vụ của cơ quan nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng, cùng với các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Lãnh đạo Sở Tư pháp Lai Châu đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các hoạt động nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT, nâng cao trình độ và kỹ năng khai thác, sử dụng phương tiện, ứng dụng CNTT; xây dựng, ứng dụng và triển khai các hệ thống phần mềm, hệ thống trang thiết bị, hệ thống mạng và hệ thống an toàn, an ninh, bảo mật thông tin. Từ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan tư pháp tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và chuyên môn.
Hiện nay, Sở Tư pháp đang quản lý, vận hành, ứng dụng trên 10 phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu CNTT như: Phầm mềm lý lịch Tư pháp; phầm mềm Quản lý hộ tịch; phầm mềm Vnptigate; phầm mềm Quản lý văn bản điều hành; phầm mềm Quản lý trợ giúp pháp lý; phầm mềm Quản lý tổ chức hành nghề công chứng; phầm mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu; phần mềm Quốc tịch; phần mềm Quản lý thông tin đấu giá tài sản, Hệ thống quản lý văn bản, phần mềm thống kê… và 02 Trang thông tin điện tử là Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và Trang thông tin điện tử tổng hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu. Các phần mềm ứng dụng của Sở ngày càng nhiều với quy mô triển khai rộng.
Nổi bật trong triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động tư pháp là việc ứng dụng CNTT trong công tác hành chính – bổ trợ tư pháp. Riêng trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, khi chưa ứng dụng CNTT, việc sử dụng biểu mẫu để đăng ký hộ tịch một cách thủ công, mỗi khi công dân muốn đăng ký hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch lại phải xác lập, thu thập, lưu trữ thông tin thông qua biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ một cách thủ công, phần lớn vẫn là viết tay, chưa thống nhất phần mềm nhập dữ liệu hộ tịch toàn quốc, mỗi tỉnh có một phần mềm khác nhau nên việc cập nhật, tra cứu gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc nhập dữ liệu, quản lý đã phát huy hiệu quả đáng kể. Từ tháng 4/2018 đến nay đã đăng ký khai sinh cho 45.951 trường hợp, đăng ký kết hôn 9.824 trường hợp, đăng ký khai tử 4.676 trường hợp, đăng ký khác 10.458 trường hợp. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện một cách chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức và thống nhất. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho trên 2.572 trường hợp, tiếp nhận vào vào sổ hơn 9.000 thông tin; cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và các tỉnh khác trên 6600 thông tin, lập mới và lập bổ sung hồ sơ lý lịch tư pháp trên 20.000 thông tin…
Về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Sở đã tiến hành xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng. Nhờ đó người dân không phải tự tìm hiểu thông tin tài sản mình cần giao dịch mà chỉ bằng việc nhấp chuột vào hệ thống cơ sở dữ liệu, công chứng viên sẽ giúp họ có thông tin chính xác.
Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của ứng dụng CNTT chính là công tác cải cách hành chính trong ngành Tư pháp. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực của ngành đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức. Sở Tư pháp đã thường xuyên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung TTHC, cắt giảm trên thời gian giải quyết TTHC, đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Đặc biệt, ứng dụng CNTT được áp dụng trong cả lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật. Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý hoạt động Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu – một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả trong giai đoạn hiện nay; đồng thời cung cấp kịp thời các thông tin pháp luật, tiếp nhận phản ánh về tình hình thi hành pháp luật, thắc mắc về pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Để đảm bảo việc quản lý, vận hành, khai thác các phần mềm, ứng dụng, hàng năm Sở Tư pháp đều tiến hành nghiên cứu các giải pháp mới, trang bị bổ sung, nâng cấp hoặc thay thế các thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực xử lý thông tin, tăng dung lượng lưu trữ, tăng cường các trang thiết bị bảo mật đáp ứng yêu cầu an toàn an ninh thông tin; thường xuyên cử công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn ứng dụng, an toàn thông tin mạng do tỉnh tổ chức.
Đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thanh Hải, cho biết: Để làm tốt và phát huy hiệu quả của CNTT trong hoạt động tư pháp thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là ứng dụng CNTT trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, triển khai hiệu quả phần mềm, ứng dụng trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật. Từ đó, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận với pháp luật một cách dễ dàng và thuận tiện.
Đình Tứ