Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba

27/08/2020
Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba
Ông Ngô Quang Giáp – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho biết: thành tích đáng tự hào ngày hôm nay là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ cán bộ ngành Tư pháp tỉnh Hải Dương: Hoàn thiện cả về chuyên môn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức.

Chặng đường 38 xây dựng và trưởng thành

Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương (tiền thân là Ban Pháp chế của UBND tỉnh). Ngày 18/11/1982, Sở Tư pháp tỉnh Hải Hưng (nay là Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương) đã được thành lập. Tiếp đó, UBND tỉnh Hải Hưng ra quyết định thành lập Ban Tư pháp các huyện, thị xã; Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn.

Trải qua 38 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Tư pháp Hải Dương đã vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trưởng thành, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà và sự nghiệp chung của Ngành Tư pháp Việt Nam.

Sở Tư pháp tỉnh có bộ máy khá “khiêm tốn”, hiện chỉ có 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 06 phòng chức năng; tổng số công chức, viên chức và người lao động là 24 người, trong đó: 21 biên chế hành chính, 03 biên chế hợp đồng. Bên cạnh đó, Sở có 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm trợ giúp pháp lý, với 70 viên chức và người lao động.

Nhưng nhiều năm liền, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương liên tục được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và tặng Bằng khen, như: năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2017, 2018 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2014, 2015, 2018, 2019 được tặng Cờ thi đua của Bộ Tư pháp; năm 2018, 2019 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; đặc biệt, năm 2010 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nỗ lực bền bỉ

Không bằng lòng với những thành tích đã đạt được, mà luôn cố gắng để đạt được những thành quả cao hơn, sau khi nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt được Huân chương Độc lập hạng Ba trong 10 năm tới.

Về chuyên môn, trong 10 năm qua Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã trực tiếp thẩm định gần 600 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo 100% đúng tiến độ, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, Sở tham gia ý kiến với trên 500 dự thảo văn bản khác do Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành soạn thảo.

Hàng năm, Sở Tư pháp cũng đã tiến hành kiểm tra việc ban hành văn bản tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, trung bình từ 20.000 đến 30.000 văn bản/năm. Thông qua việc kiểm tra đã phát hiện và kịp thời kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời xử lý các văn bản văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo quy định của pháp luật.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng phát huy được hiệu quả tích cực: Nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn được nâng cao. Trong đó, phải kể đến việc Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã có 230/235 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 97,9%); góp phần để 03 đơn vị cấp huyện của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã trực tiếp giải quyết 4.325 hồ sơ kết hôn, 386 hồ sơ đăng ký khai sinh; 25 hồ sơ khai tử, 362 hồ sơ về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; 12 hồ sơ về quốc tịch, cấp gần 120.000 phiếu Lý lịch tư pháp. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, ngày càng được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về nhân thân của các tổ chức, cá nhân.

Sau 10 năm, công tác xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đẩy mạnh. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống  như: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm; hoạt động bổ trợ tư pháp được mở rộng thêm các lĩnh vực mới như: Thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản, trọng tài thương mại, phục vụ tốt yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương chú trọng: Trước năm 2010, cán bộ tư pháp cơ sở còn thiếu và yếu. Đến nay, 100% cán bộ Sở Tư pháp có trình độ Đại học Luật, số cán bộ có trình độ thạc sỹ là 15 (tăng 12 người) và một số cán bộ đang học sau đại học, 11 cán bộ có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.

Cán bộ Tư pháp cấp huyện được củng cố, kiện toàn từ 03 đến 05 người/phòng.  235 xã, phường, thị trấn có cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách, có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Trên 90% công chức cơ sở làm công tác tư pháp – hộ tịch đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

Không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, hằng năm các cán bộ thuộc Sở đã tích cực nghiên cứu các đề tài, đề án khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Sở khi ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao.

Trong đó: Đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2021” năm 2018 của nhóm tác giả mà chủ trì đề tài là đồng chí Ngô Quang Giáp, Giám đốc Sở, đã được UBND tỉnh phê duyệt  được đánh giá cao và ứng dụng rộng rãi trong tất cả các cơ quan hành chính 3 cấp của tỉnh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được, ngày 13/8/2020, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Đây là thành tích rất đáng tự hào và càng ý nghĩa hơn khi được trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2020).

“Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn ra rất phức tạp. Trong đó, ngành Tư pháp cùng các cấp chính quyền và người dân của tỉnh Hải Dương đều căng mình để chống dịch. Do đó, Sở Tư pháp Hải Dương đã quyết định khi nào tình hình dịch bệnh hoàn toàn ổn định lúc đó mới tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập để niềm vui được trọn vẹn và ý nghĩa hơn” - ông Ngô Quang Giáp chia sẻ.

Hoàng Giang

baophapluat.vn