37 năm vững vàng với mục tiêu thượng tôn pháp luật

24/04/2019
37 năm vững vàng với mục tiêu thượng tôn pháp luật
Ngày 26/4/1982 đánh dấu sự ra đời của Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ (tiền thân là Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng UBND tỉnh). Kể từ thời điểm này, Sở Tư pháp bắt đầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tư pháp tại địa phương. Sự ra đời của Sở nói riêng và hệ thống cơ quan tư pháp địa phương nói chung cùng với việc tái lập Bộ Tư pháp trong thời kỳ này là những sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi về tư duy quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền trước yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng.
Trong suốt 37 năm hình thành và phát triển, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Sở đã không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp như Bác Hồ đã dạy “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và luôn đề cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đổi mới, sáng tạo. 37 năm qua, Sở Tư pháp đã từng bước vững mạnh và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình trong công tác pháp luật một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Qua các thời kỳ hình thành và phát triển, Sở Tư pháp Phú Thọ ngày càng được củng cố, tăng cường về mặt tổ chức, số lượng, chất lượng cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong chặng đường xây dựng và phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Sở có nhiều bổ sung, thay đổi. Ngày đầu thành lập, tổ chức bộ máy gồm 3 phòng: Văn phòng, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Phòng Văn bản - Tuyên truyền và được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý Tòa án nhân dân cấp huyện về tổ chức, một số lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp. Năm 1987, Sở tiếp nhận công tác quản lý và đăng ký hộ tịch từ ngành công an. Năm 1989 đến năm 1999, lần lượt được bổ sung quản lý hoạt động giám định tư pháp, công chứng, thi hành án dân sự, luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý. Năm 2002, bàn giao công tác quản lý Tòa án nhân dân cấp huyện về tổ chức cho Tòa án nhân dân tỉnh. Năm 2009, bàn giao quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ thi hành án theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về cơ quan thi hành án. Từ năm 2011 đến nay, tiếp tục được bổ sung liên tục 13 nhiệm vụ mới, nâng tổng số nội dung quản lý, thực hiện tại Sở lên 36 nhóm việc trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.
Để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, công tác tổ chức cán bộ cũng được thay đổi cho phù hợp để thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước một cách hiệu quả nhất. Ngày đầu thành lập, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ chỉ có 13 cán bộ, trong đó có 2 đồng chí có trình độ đại học, số còn lại có trình độ trung cấp hoặc chưa qua đào tạo. Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu tổng hợp và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 75 công chức, viên chức. Số công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học chiếm 92,1%, trong đó có 18 đồng chí đã và đang được đào tạo chương trình cao học, chiếm tỷ lệ 23,7%. Tập thể và đội ngũ công chức, viên chức Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, kề vai sát cánh cùng các ngành, các cấp tổ chức thực hiện thắng lợi mọi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh Phú Thọ, phạm vi hoạt động của ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng cả về quy mô, chất lượng và bề rộng lẫn chiều sâu; hướng mạnh về cơ sở, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn kỷ cương pháp luật, an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, Sở Tư pháp đã tìm tòi, nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng các nhiệm vụ để tham mưu đắc lực cho chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành bằng pháp luật.
Sở đã tham gia, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh với chất lượng ngày càng cao; thực hiện rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, qua đó đã giúp phòng ngừa, phát hiện các vi phạm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các văn bản; tăng cường phối hợp với các ngành và các tổ chức đoàn thể cùng cấp để triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật kịp thời bằng  nhiều hình thức đa dạng, nội dung  phong phú, sát thực và đạt hiệu quả cao..., góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Công tác hành chính tư pháp từng bước được nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng với yêu cầu của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng đi vào nền nếp, hoạt động chất lượng, hiệu quả, đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội, gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân; tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được chú trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật. Công tác bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Công tác xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện tốt, đáp ứng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Nhiều cán bộ của ngành, sở đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận, giao đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau trong tỉnh. Trong 37 năm, đã có 30 cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành trở lên trưởng thành từ môi trường tư pháp, trong đó có 19 đồng chí đã và đang công tác tại các cơ quan nhà nước khác trong và ngoài tỉnh, có 04 đồng chí lãnh đạo Sở trưởng thành và là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong đó có những đồng chí đã giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt đứng đầu tỉnh. Nhiều công chức, viên chức của Sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là tấm gương về tình yêu nghề, trong khó khăn chung của ngành, vẫn nhiệt tình, hăng say với công việc, từ lòng nhiệt tình thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo.
Với những thành tích đạt được, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng III năm 2002, Huân chương lao động hạng II năm 2010. Tập thể Sở nhiều năm được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Sở đã được tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Đảng bộ Sở và các tổ chức đoàn thể nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh.
Tổng kết năm 2018, Sở Tư pháp Phú Thọ được Bộ Tư pháp chấm điểm đánh giá đạt 195,6/200 điểm, đứng đầu 14 tỉnh trong Khối thi đua các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, được 100% các đơn vị trong khối suy tôn, được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Cờ thi đua của ngành Tư pháp năm 2018 nối lại lộ trình phấn đấu đạt Huân chương Lao động hạng Nhất trong những năm tiếp theo.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực để tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân;
Đồng thời, đổi mới cách thức, mô hình, tạo chuyển biến thực sự rõ nét trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tiếp tục xã hội hóa gắn với quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của ngành...
37 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào trước những thành quả đã đạt được, Sở Tư pháp sẽ tiếp nối truyền thống đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao phó, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.
Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp Phú Thọ