Theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 25/8/2011 khi Nghị định chính thức có hiệu lực phải hoàn thành việc kiện toàn tổ chức pháp chế nhưng đến nay ở Nghệ An công tác này vẫn đang ở giai đoạn triển khai. UBND tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập mới, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế nhưng chưa ban hành được do không có biên chế nên chưa có Sở, ban, ngành nào thành lập Phòng pháp chế.
Đối với các ngành, chỉ mới có Công an tỉnh đã thành lập Đội Pháp chế với tổng số 05 cán bộ chuyên trách thực hiện công tác pháp chế theo quy định. Hiện nay, tỉnh Nghệ An mới chỉ có Chi cục Kiểm lâm đã thành lập Phòng Thanh tra pháp chế (trước khi có Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng không phải làm nhiệm vụ pháp chế hoàn toàn. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có tổng số cán bộ pháp chế là 21 người, phần lớn các đơn vị bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm có trình độ Đại học Luật, một số có trình độ chuyên ngành khác như: kinh tế, tài chính… Trong đó 14 Sở theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì chỉ có Sở Giáo dục và Đào tạo có 01 cán bộ pháp chế chuyên trách, còn 13 Sở còn lại chỉ cử 20 cán bộ kiêm nhiệm. Tại các cơ quan ngoài các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Có 20 cán bộ pháp chế, trong đó có 07 cán bộ chuyên trách, 13 cán bộ kiêm nhiệm và 07 cán bộ có trình độ Đại học Luật, 13 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành khác.
Tại các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương: Theo số liệu báo cáo nhận được, tổng số cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm trong Doanh nghiệp Nhà nước do UBND tỉnh quản lý có 16 cán bộ, trong đó không có cán bộ nào có trình độ đại học Luật; 14 cán bộ có trình độ đại học, 02 cán bộ có trình độ trung cấp chuyên ngành khác…
Trong thời gian qua các tổ chức pháp chế đã triển khai một số hoạt động như :
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật: Hàng năm tổ chức, cán bộ pháp chế của các Sở, ban, ngành đã phối hợp với Sở Tư pháp để rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong công tác rà soát văn bản QPPL thường xuyên, định kỳ tổ chức, cán bộ pháp chế chưa chủ động trong việc lập kế hoạch rà soát những văn bản do đơn vị chủ trì tham mưu. Việc rà soát đang chỉ mới dừng lại dưới hình thức phối hợp sau khi Sở Tư pháp chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát hàng năm, tổng hợp danh sách và gửi các Sở, ban, ngành rà soát đối với những văn bản thuộc ngành mình tham mưu, chưa tích cực trong công tác rà soát đối với những văn bản thuộc ngành, lĩnh vực khác có liên quan.Nhìn chung, việc kiểm tra, rà soát chủ yếu được giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành thực hiện. Do cán bộ pháp chế các ngành chủ yếu kiêm nhiệm nên việc kiểm tra, rà soát văn bản hầu hết chưa được thực hiện thường xuyên và chủ yếu giao cho các phòng chuyên môn thực hiện nên vai trò, trách nhiệm của pháp chế ngành còn mờ nhạt. Nhiều ngành chưa nắm được nghiệp vụ kiểm tra, rà soát nên báo cáo còn sơ sài, không đúng nội dung, đối tượng cần kiểm tra, rà soát.
Đối với công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Cán bộ pháp chế chưa chủ động trong việc tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, đặc biệt là những văn bản do ngành mình tham mưu. Việc kiểm tra và xử lý văn bản QPPL đang chủ yếu do Sở Tư pháp thực hiện, không có vai trò tham gia của tổ chức, cán bộ pháp chế.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Sau 07 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho thấy: Cán bộ pháp chế được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận báo cáo viên đã tham gia vào việc tham mưu thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Một số cán bộ pháp chế Sở, Ngành trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành cũng như nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng cán bộ pháp chế ngành trực tiếp thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật không nhiều;
Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật: Hiện nay, đa số các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đều giao cho cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo cơ quan trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tuy nhiên, mô hình tổ chức đội ngũ này bị chi phối theo đặc thù từng ngành nên chưa được tổ chức theo mô hình chung thống nhất (tuỳ Sở, ban, ngành mà nội dung này có thể giao cho bộ phận pháp chế hoặc cán bộ pháp chế; giao cho Văn phòng hoặc Thanh tra Sở…).
Nhìn chung, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành đã có sự quan tâm bố trí cán bộ thực hiện công tác này nhưng hầu hết đều phân công cán bộ làm việc kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian cho công tác pháp chế nói chung và công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng. Mặt khác, nhiều cán bộ pháp chế kiêm nhiệm chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác mới này nên hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đối với công tác bồi thường nhà nước: Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn cho đối tượng là lãnh đạo và cán bộ pháp chế của các Sở, Ngành, huyện, thành phố, thị xã và đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ việc yêu cầu bồi thường nên chưa thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể cho đội ngũ pháp chế.
Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Mặc dù công tác hỗ trợ pháp lý do cán bộ pháp chế Sở, ban, ngành thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực nhất định, giúp các doanh nghiệp nắm bắt các văn bản QPPL có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ, giải đáp, cung cấp thông tin pháp lý khi doanh nghiệp có nhu cầu… song vẫn còn những hạn chế, bất cập: Thực hiện hiệu quả công tác này chủ yếu tập trung vào một số ngành như: Thuế, Hải quan, Kế hoạch và Đầu tư … Bên cạnh đó, do thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên trong quá trình tổ chức thực hiện kết quả mang lại từ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Công tác pháp chế có vai trò quan trọng tuy nhiên trong tổ chức thực hiện ở Nghệ an gặp nhiều khó khăn , hạn chế
. Việc chưa hình thành tổ chức pháp chế Sở, ban, ngành và chưa có cán bộ chuyên trách pháp chế đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ pháp chế. Ở hầu hết các Sở, Ngành cán bộ văn phòng hoặc thanh tra kiêm nhiệm pháp chế chỉ tồn tại trên danh nghĩa không thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách về pháp chế và thường xuyên bị thay đổi do luân chuyển, điều động. Mặc dù Sở Tư pháp có tổ chức tập huấn và địa phương có cử cán bộ pháp chế Sở, Ngành đi tập huấn các lớp nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức nhưng tỷ lệ cán bộ pháp chế tham gia tập huấn hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, số cán bộ pháp chế có chuyên môn về Luật chiếm tỷ lệ không cao trong khi các nghiệp vụ của công tác pháp chế đòi hỏi phải có trình độ pháp lý, kể cả trình độ chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực chuyên ngành; Phần lớn cán bộ doanh nghiệp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn pháp lý chưa cao, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác pháp chế chưa nhiều, nhất là kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài.
Theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ - CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế thì có 14 Sở, ban, ngành phải thành lập Phòng pháp chế. Tuy nhiên, đến nay chưa có Sở, ban, Ngành nào thành lập được Phòng pháp chế và chưa có cán bộ pháp chế chuyên trách (trừ Sở Giáo dục và Đào tạo) đã làm cho hoạt động của pháp chế Sở, Ngành chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao; Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh việc thành lập tổ chức pháp chế gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi cơ quan chuyên môn thành lập tổ chức pháp chế theo một mô hình khác nhau, có nơi thì bố trí cán bộ chuyên trách, có nơi chỉ là cán bộ kiêm nhiệm, thậm chí có nơi không bố trí được cán bộ làm công tác pháp chế vì thiếu biên chế, nhiều khi có biên chế lại không tìm được cán bộ thích hợp, đủ tiêu chuẩn.
Để tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động pháp chế thực sự khả thi có hiệu quả các Bộ, Ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhằm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của các địa phương.
Nguyễn Quế Anh – Sở Tư pháp Nghệ An