Lạng Sơn: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền An toàn giao thông

11/05/2007
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh thì quý I/2007 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông làm chế 37 người, bị thương 55 người, so với cùng kỳ năm 2006 giảm 01 vụ (giảm 1,8%), giảm 4 người chết (giảm 9,6%), giảm 25 người bị thương (giảm 31,3%).

Trong đó, 3 địa phương có số người bị chết cho tai nạn giao thông giảm đó là huyện Cao Lộc, giảm 6 người, huyện Chi Lăng giảm 9 người, huyện Văn Quan giảm 3 người. Tuy nhiên vẫn còn một số huyện do chưa chỉ đạo quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên số người bị chết do tai nạn giao thông tăng như huyện Đình Lập, huyện Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn...

          Để đạt được mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, rút kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền thời gian qua, Ban an toàn giao thông tỉnh xác định 6 nội dung quan trọng và yêu cầu các đơn vị thực hiện trong hoạt động tuyên truyền như sau:

          Thứ nhất về khẩu hiệu tuyên truyền phải nêu thật cụ thể, ngắn gọn, mang tính chất tổng hợp, dễ hiểu, dễ nhớ. Giảm tối đã các khẩu hiệu mang tính chung chung.

          Thứ hai nội dung của các chủ đề tuyên truyền phải tập trung phục vụ cho các cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông để hỗ trợ cho lực lượng chức năng thi hành pháp luật.

          Thứ 3 phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua các chương trình sinh hoạt tại cụm dân cư, khu dân cư. Cần phối hợp với các đội tuyên truyền của ngành Văn hoá- thông tin, các tổ chức chính trị xã hội để đào tạo các tuyên truyền viên, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ này để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

          Thứ tư Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố cần thường xuyên tuyên truyền các băng, đĩa hình về hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ban ATGT tỉnh cung cấp trên đài truyền thanh địa phương, lồng ghép qua các buổi chiếu phim ở xã, cụm dân cư. Đây là phương pháp tuyên truyền thiết thức nhất để người được tuyên truyền hiểu kỹ và nhớ lâu.

          Thứ năm là cần phải phê phán gay gắt, lên án các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông. Song đồng thời phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tôn vinh các cá nhân, tổ chức, các sáng kiến, giải pháp tốt về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

          Thứ sáu khi phân tích các vấn đề về trật tự an toàn giao thông, các số liệu về tai nạn giao thông cần chú ý phân tích nhiều chiều, tránh phiến diện, hời hợt dẫn đến đánh giá sai về các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông./.

Đức Khoa