Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017, ngày 07/11/2017 tại Hội trường Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Hội đồng phối hợp liên ngành) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Đồng chí Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì buổi tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục công tác phía nam; Các đồng chí là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành; Các đồng chí đại diện các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh, huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Đại diện Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cùng các Trợ giúp viên, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.
Phát biểu tại khai mạc tọa đàm, đồng chí Ngô Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã đánh giá sự cần thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng. Để buổi Tọa đàm đạt hiệu quả, đồng chí Ngô Văn Toàn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi 09 nội dung chính:
1. Quy định của pháp luật về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng; các giải pháp thực hiện.
2. Vai trò của Tòa án nhân dân trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của những người được hưởng quyền trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
3. Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giam, tạm giữ thuộc đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý và giải pháp thực hiện.
4. Thực tiễn và các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo.
5. Xác lập, thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý cho những người được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, giải pháp thực hiện.
6. Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho những người chưa thành niên trong hoạt động tố tụng, các giải pháp thực hiện.
7. Giải pháp thực hiện công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
8. Những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
9. Vai trò của điều tra viên, của cán bộ Quản giáo trong việc phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành đã trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm như: Đánh giá những kết quả đạt được, những mặt tồn tại trong công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) đánh giá cao những kết quả mà Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong hoạt động trợ giúp pháp lý và việc triển khai các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm. Đồng thời đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai phát huy tối đa những điểm tích cực, có giải pháp khắc phục những vấn đề còn hạn chế thiếu sót và đặc biệt quan tâm làm tốt 05 nhiệm vụ:
Thứ nhất, triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, trong đó chú trọng nhu cầu trợ giúp pháp lý và các yếu tố đặc thù của từng địa phương (quy mô về dân số, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người dân tộc…)
Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý: lựa chọn và đưa lên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp một số vụ án phức tạp, điển hình mà Trợ giúp viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia có hiệu quả, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý để tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, tăng cường cả về số lượng và chất lượng trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là đối với những người có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước - đây là yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho người được trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, tăng cường phối kết hợp, hợp tác chặt chẽ và đồng bộ giữa đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý) và các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan công an, Viện kiểm sát, Tòa án) như bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng và chỉ định người bào chữa.
Thứ năm, có kế hoạch đánh giá tình hình tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, rà soát các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, thống kê đội ngũ luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đủ điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý tại địa phương và dự kiến nhu cầu, kinh phí để ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Ngô Văn Toàn đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Tư pháp và ghi nhận các ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm để kịp thời tổng hợp, điều chỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có tính khả thi cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Hồng Nhung – TT. TGPL