Gia Lai: Khảo sát các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân - gia đình

22/08/2017
Gia Lai: Khảo sát các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân - gia đình
Vừa qua, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động khảo sát các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân - gia đình ở Gia Lai và thực tiễn áp dụng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Nhằm giúp Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp tổng hợp, hệ thống, nghiên cứu, công bố các tập quán điển hình điều chỉnh quan dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình đang tồn tại ở nước ta, đặc biệt là tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và hoàn thiện cơ chế, cách thức áp dụng tập quán trong việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền…, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-STP ngày 21/7/2017 của Sở Tư pháp về khảo sát các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân - gia đình và thực tiễn áp dụng tại cơ sở năm 2017. Đồng thời, phối hợp, làm đầu mối hỗ trợ Viện Khoa học pháp lý tổ chức các hoạt động khảo sát, tọa đàm tại một số cơ quan, đơn vị và các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện công tác phối hợp, từ ngày 14/8 đến 17/8/2017, Sở Tư pháp đã tham gia cùng Đoàn Khảo sát của Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp thực hiện khảo sát thực tế tại 06 làng (gồm: Làng Nhă, làng Tok thuộc xã Ia Blang; làng Greo Sék, làng Plei Pan thuộc xã Dun của huyện Chư Sê và làng Srắt, làng Hà Nừng thuộc xã Sơn Lang, huyện Kbang) và tổ chức tọa đàm tại 03 xã (xã Ia Blang, xã Dun - huyện Chư Sê và xã Sơn Lang - huyện Kbang).
Sáng ngày 18/8/2017, Đoàn Khảo sát đã tổ chức buổi tọa đàm tại Tòa án nhân dân tỉnh. Chiều cùng ngày, tại trụ sở Sở Tư pháp đã diễn ra Hội thảo “Các tập quán điển hình điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân - gia đình ở Gia Lai và thực tiễn áp dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và đồng chí Lê Thị Ngọc Lam - Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì, với sự tham dự của các đại biểu là Đại diện Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, đại diện một số Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã và đại diện một số Văn phòng Luật sư trên địa bàn thành phố Pleiku.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đã tham gia ý kiến, trình bày các bài tham luận với các chủ đề như: Các tập quán chứa đượng quy tắc ứng xử, quyền và nghĩa vụ của đồng bào dân tại địa phương với tính chất là nguồn bổ sung cho pháp luật; Tập hợp các tập quán pháp chứa đựng quy tắc ứng xử, quyền và nghĩa vụ của đồng bào dân tộc tại địa phương với tính chất là nguồn bổ sung của pháp luật từ kinh nghiệm công tác; Vấn đề áp dụng tập quán trong quản lý hộ tịch, công tác hòa giải ở cơ sở…
Qua việc tổ chức các hoạt động khảo sát, tọa đàm của Đoàn Khảo sát từ cơ sở đến tỉnh cho thấy: Người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn duy trì, áp dụng nhiều tập quán tốt đẹp về cưới hỏi, ma chay, giải quyết mẫu thuẫn, tranh chấp… song hành với các quy định của pháp luật. Đặc biệt là sự vận dụng linh hoạt các tập quán, đảm bảo sự cân bằng các mối quan hệ trong cộng đồng.
- Đại Đồng -