Tiền Giang: Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017

24/07/2017
Tiền Giang: Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017
Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017, nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Tư pháp tỉnh. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở; Lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Nguyễn Thị Đang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Tư pháp tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần chủ động, tích cực, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Các nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, đạt và vượt tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, góp phần cùng các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương tiếp tục được thực hiện hiệu quả, toàn tỉnh đã ban hành 52 văn bản; tập trung thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản. Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được triển khai thực hiện theo đúng định hướng của Bộ Tư pháp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; toàn tỉnh đã tuyên truyền được 35.680 cuộc tuyên truyền, tăng 37,87% so với cùng kỳ năm 2016. Việc triển khai Cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch của tỉnh từng bước được xây dựng, kịp thời phục vụ nhân dân; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 2.500 trường hợp, tăng 241 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Việc chuyển đổi loại hình hoạt động của các Văn phòng công chứng cơ bản đạt yêu cầu. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục đạt kết quả tích cực, thủ tục hành chính được cập nhật và niêm yết công khai theo quy định. Việc kiện toàn sắp xếp, tổ chức bộ máy thực hiện đúng theo quy định gắn với việc phân công, bố trí, bổ nhiệm, điều động công chức, viên chức đảm bảo thực hiện đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định; có khoảng 150/173 đơn vị cấp xã bố trí 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí đánh giá cao kết quả công tác tư pháp của Ngành trong 6 tháng đầu năm, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong công tác thẩm định văn bản, quản lý xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi hành pháp luật là một lĩnh vực rộng nhưng chưa được luật hóa, nên việc triển khai thực hiện công tác này của một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn gặp lúng túng; phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn làm theo cách truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, mạng xã hội vào công tác này chưa được chú trọng; việc chuyển đổi loại hình hoạt động của các Văn phòng công chứng tuy cơ bản đạt yêu cầu nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, còn khó khăn về điều kiện tạo nguồn công chứng viên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Đang, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tư pháp của Ngành đạt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch trọng tâm công tác năm 2017 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện được 21/33 (đạt 63,6%) nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong Chương trình công tác năm 2017 của UBND tỉnh; hoàn thành xong 20/34 (đạt 58,82%) nhiệm vụ được Bộ Tư pháp phân công thực hiện tại mục B của Phụ lục kèm theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ. Những kết quả đạt được nêu trên đã phản ánh sinh động toàn cảnh bức tranh tư pháp của Ngành trong 6 tháng qua. Đồng thời, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Đang cũng cho biết, nhiệm vụ công tác tư pháp 6 tháng còn lại rất nặng nề, phức tạp, một số nhiệm vụ đòi hỏi phải tập trung nhiều nguồn lực  mới có thể hoàn thành tốt được, chẳng hạn như: chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), kịp thời tham mưu rà soát, sửa đổi các VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh có liên quan đến các luật này cho phù hợp; tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật” năm 2017 trên địa bàn tỉnh; triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng xã điểm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho các xã nông thôn mới năm 2017; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực... Do đó, đòi hỏi toàn Ngành phải tập trung nỗ lực, phấn đấu thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền quan tâm, xem xét giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao./.
Lê Phú Tân, Sở Tư pháp Tiền Giang