Ninh Bình: Những kết quả nổi bật trong công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2017

29/06/2017
Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI và cũng là năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, ngay từ đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã xây dựng chương trình công tác chi tiết và điều hành với phương châm vừa mang tính bao quát, toàn diện nhưng vừa bảo đảm tính chủ động, sâu sát chặt chẽ, do đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị trong toàn ngành đã tham mưu triển khai đồng bộ các mặt công tác, đạt được những kêt quả nhất định và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thực hiện tốt công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 113/QĐ-UBND ban hành danh mục VBQPPL của UBND tỉnh được Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước phân cấp ban hành năm 2017; Quyết định số 08/QĐ-UBND quy định về đầu mối chủ trì, cơ chế phân công phối hợp, điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình; Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh xây dựng 10 dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh; Tham gia đóng góp ý kiến vào 23 Dự thảo văn bản theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan trung ương và địa phương; Tự kiểm tra 16 VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành; Rà soát định kỳ 49 VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực trong năm 2016.
Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), chủ động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới, các vấn đề dư luận quan tâm, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận khai thác, sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Tham mưu UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 24/01/2017 ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2017 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 23/01/2017 về việc kiện toàn báo cáo viên pháp luật tỉnh…tổ chức 02 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho 150 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế sở, ngành, cán bộ tư pháp các huyện, thành phố; phối hợp với UBND các huyện và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tổ chức 07 hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, giao thông đường bộ cho 700 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở…
Thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), theo đó đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 10/01/2017 ban hành Kế hoạch triển khai công tác KSTTHC trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017; Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10/01/2017 ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá quy định TTHC và xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh;  Kiểm soát chất lượng dự thảo hồ sơ TTHC làm căn cứ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 06 Quyết định công bố 277 TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế thuộc phạm vi chức năng quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp &PTNT, Sở Du lịch, Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sau khi công bố chuẩn hóa thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.718 TTHC.
Triển khai đồng bộ có hiệu quả Luật Hộ tịch, UBND hai cấp huyện và xã đã đăng ký khai sinh cho 8.619 trường hợp (9 trường hợp có yếu tố nước ngoài), đăng ký lại cho 4.136 trường hợp, khai tử 2.546 trường hợp, đăng ký kết hôn 3.280 đôi (trong đó có 27 đôi có yếu tố nước ngoài), giải quyết nhận nuôi con nuôi trong nước 18 trường hợp; Chứng thực 17.648 việc, 260.410 bản sao, thu lệ phí 1.729.630.000 đồng; tiếp nhận 1.517 thông tin lý lịch tư pháp, phân loại, kiểm tra 1.242 thông tin, trên cơ sở đó lập 554 hồ sơ lý lịch tư pháp, bổ sung 170 hồ sơ, cấp 1.031 lý lịch tư pháp.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được đẩy mạnh tăng cường. Đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về xử lý VPHC cho hơn 100 cán bộ, công chức tham mưu và người có thẩm quyển xử lý VPHC; Trong 6 tháng đầu năm 2017 có tổng số 7.166 vụ VPHC, 6.957 vụ đã bị xử phạt, 7.090 quyết định xử phạt VPHC được ban hành tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước, 15 vụ chuyển xử lý bằng hình thức khác, đã thi hành 6.612 quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt thu được là 6.997.930.000 đồng tăng 3.140.940.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Công chứng năm 2014; Tổ chức thành công Đại hội Công chứng viên tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất nhiệm kỳ 2017-2022, báo cáo kết quả đại hội và trình UBND tỉnh phê duyệt Điêu lệ hội; Phòng công chứng số 1 và số 2 đã thực hiện 461 việc, chứng thực 1.146 bản sao, thu lệ phí 199.894.000 đồng; Các văn phòng công chứng thực hiện 3.121 việc, chứng thực 2.641 bản sao, thu lệ phí 1.385.310.000 đồng.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước tỉnh đã thụ lý 12 vụ, thực hiện bán đấu giá thành 06 vụ với tổng giá khởi điểm 22.073.835 đồng, giá bán thành 28.600.794.000 đồng, chênh lệch 6.526.959.000 đồng; thực hiện bán đấu giá không thành 06 vụ; doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thụ lý 30 vụ, bán đấu giá thành 12 vụ với tổng giá khởi điểm 115.008.867.000 đồng, giá bán thành 133.532.496.000 đồng, chênh lệch 18.000.000.000 đồng.
Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) được đẩy mạnh tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện tham gia tố tụng 10 vụ việc; Thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật tại 29 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 5 xã bãi ngang ven biển, 5 xã đặt biệt khó khăn với 1.950 người tham dự; Trung tâm TGPL đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện và Hội người khuyết tật tỉnh thực hiện 24 buổi tuyên truyên, tư vấn pháp luật tại 24 xã với 280 vụ việc với 1.230 người tham dự.
Trong 06 tháng cuối năm 2017, ngành Tư pháp Ninh Bình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh thực hiện tất cả các hoạt động, đặc biệt là công tác xây dựng, kiể tra, hệ thống hóa VBQPPL; tiếp tục xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ, kiểm tra công tác kiểm soát TTHC năm 2017; Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp được đẩy mạnh tăng cường; Thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 30/5/2017 triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản; Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền…