Hậu Giang: Ban hành Kế hoạch công tác tư pháp năm 2017

21/02/2017
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong công tác Tư pháp năm 2016; đồng thời, trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm năm 2017 của Bộ Tư pháp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND tỉnh, để công tác tư pháp năm 2017 của tỉnh có những bước chuyển biến toàn diện, tích cực hơn, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện các chính sách, thực thi pháp luật và chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh. Ngày 20/02/2017, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về công tác tư pháp năm 2017.  
 
Về nội dung của Kế hoạch: Tập trung thực hiện tốt 12 nhóm nhiệm vụ công tác, gồm: Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; Công tác xây dựng Ngành Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng; Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và quản lý nhà nước về công tác pháp chế; Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; Công tác thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện trong năm 2017, cụ thể:
Thứ nhất, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, nhất là những quy định mới của Luật này. Tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL.
Thứ ba, tổ chức triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2020. Chú trọng phổ biến các văn bản QPPL liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh công tác thông tin về các hoạt động của Ngành Tư pháp.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014. Thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững các nghề bổ trợ tư pháp như thừa phát lại, đấu giá viên, công chứng viên, quản tài viên.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 - 2024 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với việc thi hành Luật Hộ tịch.
Thứ sáu, triển khai thực hiện việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp đảm bảo đúng tinh thần theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết công việc. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc sử dụng chữ ký số.
Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác tư pháp năm 2017; xây dựng và triển khai Kế hoạch chi tiết từng lĩnh vực công tác; chủ động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.
Đối với các sở, ban, ngành tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, chủ động phối hợp với Sở Tư pháp triển khai những nhiệm vụ có liên quan như: Xây dựng văn bản; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; pháp chế ngành; kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; xử lý vi phạm hành chính và các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.
Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác tư pháp năm 2017; bố trí và bảo đảm nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp theo Kế hoạch đã đề ra./.
                                                                                                 Ngọc Đang