Một số vấn đề bất cập trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tại Lai Châu

05/04/2007
Hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp là một hoạt động mang tính pháp lý nhằm xác định tính pháp lý của văn bản sắp ban hành, có thể coi đây là hoạt động kiểm tra trước văn bản, quyết định mức độ phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế ở địa phương, khắc phục tình trạng văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được ban hành có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, không có tính khả thi hoặc không được nhân dân đồng tình.

Đến nay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luât của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Nghị định số 91/2006/NĐ – CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ đã quy định một cách cụ thể về trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, trong đó thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành là một thủ tục bắt buộc.

Hàng năm, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo và ban hành trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhất là đối với tỉnh Lai Châu - một tỉnh mới được thành lập cần có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các lĩnh vực hoạt động ở địa phương. Kể từ khi Luật ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu – cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý về lĩnh vực tư pháp trong đó có chức năng thẩm định dự  thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh về công tác văn bản trong đó có công tác thẩm định văn bản. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ, được thực hiện một cách thường xuyên từ tỉnh đến huyện và bước đầu khắc phục được tình trạng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trái pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tại Lai Châu còng tồn tại một số mặt hạn chế:

Nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở các cấp các ngành về vai trò của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn chưa có chuyển biến rõ ràng. Một số cơ quan được giao xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương chưa nắm rõ những nội dung quy định của Luật ban hành văn bản và Nghị định hướng dẫn thi hành; Thông tư số 55/2005/TTLT – VPCP – BNV về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản...dẫn đến tình trạng vi phạm về trình tự soạn thảo và ban hành, hình thức văn bản cụ thể như: có dự thảo văn bản được xây dựng còn chư được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các ngành liên quan, chưa gửi tới cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ký ban hành đặc biệt là đối với cấp huyện. Một số cơ quan chuyên môn được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã gửi dự thảo văn bản về cơ quan tư pháp để thẩm định nhưng vẫn chưa đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Ví dụ: có trường hợp dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân chưa qua thẩm định đã được các thành viên UBND họp và nhất trí trình Hội đồng nhân dân, nhưng vì chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp nên các ban của Hội đồng nhân dân đã không tiến hành thẩm tra và dự thảo đó được gửỉ trở lại cơ quan tư pháp để thẩm định, nhưng trường hợp này cơ quan tư pháp đã không thẩm định vì văn bản này đã được UBND phê duyệt (cơ quan tư pháp chỉ thẩm định dự thảo văn bản); một số cơ quan đã thực hiện việc gửi dự thảo văn bản đến cơ quan tư pháp đúng thủ tục để thẩm định nhưng khi có ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp thì cơ quan soạn thảo đã không tiếp thu, chỉnh sửa hoặc chỉnh sửa không đúng theo yêu cầu mặc dù ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp là đúng theo quy định của pháp luật; có trường hợp khi trình ký ban hành nhưng cơ quan có thẩm quyền không thấy có ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp nên không xem xét, dự thảo văn bản buộc phải gửi trở lại để thẩm định đã làm chậm tiến độ về mặt thời gian, nhất là đối với dự thảo văn bản của Hội đồng nhân dân dẫn đến tình trạng mặc dù cơ quan tư pháp đã thẩm định nhưng cơ quan soạn thảo không kịp chỉnh sửa nên ý kiến thẩm định chỉ còn mang tính hình thức, cá biệt có trường hợp cơ quan Tư pháp được yêu cầu sửa giúp dự thảo văn bản cho cơ quan soạn thảo...

Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ở địa phương hiện nay vẫn không xác định được một cách cụ thể và rõ ràng văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật và trường hợp nào là văn bản quy phạm pháp luật, có những văn bản quy phạm thì lại ban hành dưới dạng văn bản cá biệt và ngược lại, nhiều văn bản cá biệt được gửi về cơ quan Tư pháp yêu cầu thẩm định, đối với văn bản này cơ quan Tư pháp đã không thẩm định.

Đối với, Sở Tư pháp, Phòng Pháp quy - Phổ biến, giáo dục pháp luật là Phòng chuyên môn chủ yếu đảm đương nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tham mưu, quản lý công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Mặc dù với khối lượng công việc rất lớn và quan trọng, số lượng biên chế có hạn 6 biên chế  nhưng trong những năm qua công tác thẩm định dự thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh vẫn được thẩm định đúng tiến độ và dần nâng cao về chất lượng.

Đối với cấp huyện, đội ngũ cán bộ tư pháp vừa thiều, vừa yếu về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, tổng số cán bộ Tư pháp của 6 huện thị là 20 nhưng số cán bộ có trình độ chuyên môn là cử nhân luật chỉ 20%, số lượng biên chế được giao hạn chế, những cán bộ được tuyển dụng vào làm việc có trình độ chuyên môn thấp, trái ngành nghề đào tạo nên không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc nhất là thẩm định văn bản hoặc có thẩm định nhưng chất lượng văn bản thẩm định không cao dẫn tới tình trạng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trái pháp luật.

Do yêu cầu của đặc thù công việc, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là một công việc rất khó, đòi hỏi người làm công tác thẩm định phải có một tư duy tổng hợp cao, dày kinh nghiệm trong công tác pháp luật, phải nắm bắt được tình hình thực tế ở địa phương, bên cạnh những kiến thức về pháp luật phải nắm vững còn phải am hiểu những kiến thức ở các lĩnh vực chuyên môn khác rất khó như lĩnh vực xây dựng, tài chính..., đây là một trong những yêu cầu rất khó có thể đáp ứng được.

Với tính chất đặc thù của công việc như vậy nhưng chế độ cho người làm công tác thẩm định văn bản chưa có cũng là một trong nhưng nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định, hiện nay chưa có văn bản của trung ương về chế độ kinh phí cho công tác xây dựng và thẩm định văn bản nên Sở Tư pháp chưa có cơ sở pháp lý tham mưu với tỉnh để ban hành cơ chế này.

Để khắc phục những mặt còn tồn tại đối với công tác thẩm định văn bản trên địa bàn tỉnh Sở Tư pháp Lai Châu cũng đã có những giải pháp nhưng mới chỉ là những giải pháp tình thế mang tính “mưa dầm thấm lâu”. Mới chỉ dừng lại ở văn bản hướng dẫn các ngành, cơ quan về trình tự, thủ tục gưỉ văn bản về cơ quan tư pháp để thẩm định, hướng dẫn về chuyên môn cho các huyện đối với công tác thẩm định. Sở đang xây dựng dự thảo về ban hành Quy chế xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản trên địa bàn tỉnh dự kiến trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trong thời gian tới.

Nguyễn Minh Hiệp – Phòng văn bản - Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu