Thái Nguyên: Kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ QLNN trong lĩnh vực Tư pháp của UBND trên địa bàn

27/11/2015
Với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động tư pháp ở cơ sở, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những thuận lợi, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, xác định đúng nguyên nhân, từ đó có hướng khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhằm đưa hoạt động tư pháp ở cơ sở đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả tích cực. Ngày 16/3/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về việc kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tư pháp của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và giao Giám đốc Sở Tư pháp làm trưởng Đoàn kiểm tra giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch.
 

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại 9/9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, kết quả kiểm tra cho thấy:

Thứ nhất: Công tác tư pháp ở cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nên được quán triệt triển khai khá toàn diện. Công tác tư pháp cơ sở đã có sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động quản lý nhà nước khác ở địa phương. Kết quả, hiệu quả công tác tư pháp dù chưa thực sự nổi bật, đột phá nhưng cũng đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về tư pháp ở cơ sở. Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai có hiệu quả công tác tư pháp trên địa bàn; đã có nhiều cố gắng để khắc phục các “lỗ hổng”, “điểm nghẽn” trong quản lý, đảm bảo công tác tư pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả, đây thực sự là lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật.

Thứ hai: Các nhiệm vụ mang tính “truyền thống” của ngành Tư pháp như: công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày càng được quan tâm hơn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời đảm bảo cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; công tác quản lý, đăng ký hộ tịch về cơ bản được đã giải quyết các vấn đề về hộ tịch ở cơ sở đã đáp ứng yêu cầu của người dân; hệ thống sổ sách và hồ sơ lưu trữ ở các địa phương được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã quan tâm đầu tư, áp dung ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch... . Bên cạnh đó công tác tư pháp cơ sở thời gian vừa qua được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới quan trọng và nặng nề hơn như công tác kiểm soát thủ tục hành chính; về xây dựng xã phường tiếp cận pháp luật; về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ... Việc mở rộng về lĩnh vực quản lý đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác tư pháp ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, cùng các lĩnh vực quản lý nhà nước khác góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba: Các địa phương đã có sự quan tâm nhất định tới công tác kiện toàn tổ chức, biên chế tư pháp, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cơ sở đã từng bước được nâng lên về số lượng và chất lượng (Phòng Tư pháp cấp huyện hiện có tổng số 32 công chức, trong đó công chức có trình độ Đại học Luật chiếm 95%; Cấp xã hiện có có 208 công chức tư pháp - hộ tịch trong đó trình độ đào tạo chuyên môn luật là đạt 91.8%). Vượt lên trên những khó khăn về những điều kiện tự nhiên, xã hội và kinh phí hoạt động cũng như chế độ đãi ngộ chưa thật tương xứng; đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã đã nỗ lực phấn đấu, góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư pháp ở cơ sở.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra công tác quản lý nhà nước về tư pháp của UBND cấp huyện vẫn nổi lên những vấn đề cần phải nghiên cứu, khắc phục, đó là: Đa số các địa phương chưa hoạch định những vấn đề chỉ đạo mang tính định hướng trên cơ sở thực tiễn quản lý để nâng cao vai trò, kết quả công tác tư pháp ở địa phương; sự quan tâm đến công tác tư pháp chưa đồng đều, một số địa phương chưa thực sự quan tâm kiện toàn nhân lực và bố trí nguồn lực cho hoạt động tư pháp, có hoạt động chuyên môn không có nguồn kinh phí để thực hiện hoặc có nhưng cũng rất hạn chế; các hoạt động chuyên môn còn khá dàn trải, chưa thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo bước đột phá, điểm mới trong quản lý; các nhiệm vụ mới được giao cho tư pháp cấp huyện, cấp xã thực hiện còn lúng túng, kết quả thực hiện thấp như công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác bồi thường nhà nước; việc kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện còn chậm, trung bình chỉ đạt khoảng 3,5 công chức/Phòng Tư pháp trong khi yêu cầu biên chế tối thiểu để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ là 05 công chức, phần lớn các xã, phường, thị trấn mới chỉ bố trí được một công chức làm công tác tư pháp – hộ tịch; Đoàn kiểm tra cũng thẳng thắn chỉ ra có Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch chưa khẳng định được vai trò tham mưu triển khai các nhiệm vụ tư pháp, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ nên cũng chưa tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Đợt kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tư pháp ở cơ sở vừa qua là đợt kiểm tra lớn và toàn diện nhất trong 5 năm trở lại đây của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh công tác tư pháp cơ sở đã ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, các hoạt động tư pháp đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và ngành Tư pháp vừa được kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của liên Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Với những đánh giá, kết luận, kiến nghị mà Đoàn kiểm tra của tỉnh đã chỉ ra tại các cuộc kiểm tra trực tiếp và tại báo cáo kết luận kiểm tra, chắc chắn rằng công tác tư pháp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ có những thay đổi, khởi sắc, khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, thể hiện sự phát triển ngày càng vững chắc của ngành gắn với sự phát triển đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Đàm Huân