Công tác triển khai Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

23/11/2015
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016, thay thế cho Luật ban hành văn bản QPPL số 17/2008/QH11 và Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND số 31/2004/QH12. Với nhiều nội dung quy định mới, đạo Luật rất quan trọng này tạo khuôn khổ pháp lý cho việc khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Chính vì vậy, việc triển khai thi hành Luật là một vấn đề quan trọng cần được nghiêm túc thực hiện, để đảm bảo sau ngày 01/7/2016 Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
 

Nhằm triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngày 11/9/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật kèm theo Quyết định số 1573/QĐ-TTg với nhiều nội dung quan trọng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan Trung ương và địa phương cụ thể, rõ ràng. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng, UBND tỉnh đã có văn bản số 4707/UBND-NC1 ngày 18/9/2015 chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh. Với nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã kịp thời triển khai xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa hoàn thiện trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 506/KH-UBND vào ngày 09/10/2015. Theo Kế hoạch, các đơn vị, địa phương phải tổ chức quán triệt thi hành Luật và phổ biến nội dung của Luật tới cán bộ và nhân dân; tổ chức rà soát các văn bản QPPL liên quan đến Luật ban hành văn bản QPPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản QPPL bảo đảm thi hành hiệu quả Luật; tổ chức tập huấn chuyên sâu và bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản QPPL; cập nhật văn bản QPPL, thủ tục hành chính lên cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL, cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính của tỉnh; rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế…Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ, các địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn. Tính đến nay đã có 13/13 huyện, thành phố, thị xã ban hành Kế hoạch với các nội dung bám sát nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

Là đơn vị được phân công trách nhiệm chủ trì làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát các văn bản QPPL hiện hành liên quan đến Luật ban hành văn bản QPPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã có Văn bản số 1666/STP-XDVB ngày 14/10/2015 đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tiến hành rà soát các văn bản QPPL theo phạm vi quản lý của từng ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công. Đồng thời xây dựng mẫu báo cáo hướng dẫn cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ; thường xuyên trao đổi, tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL của các ngành, địa phương. Sau một thời gian triển khai, các đơn vị đã thực hiện rà soát cơ bản đảm bảo đúng thời hạn, tiến độ được giao. Số lượng văn bản đưa vào rà soát ở cấp tỉnh là 450 văn bản, ở cấp huyện là 101 văn bản, ở cấp xã là 162 văn bản; trong đó ở cấp tỉnh xác định được 25 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 13 văn bản hết hiệu lực một phần, ở cấp huyện có 13 văn bản và cấp xã có 28 văn bản hết hiệu lực toàn bộ. Quá trình thực hiện rà soát và tổng hợp cũng cho thấy, văn bản QPPL các cấp ban hành cơ bản đảm bảo phù hợp với Luật ban hành văn bản QPPL năm 2004. Tuy nhiên vẫn còn một số văn bản chưa phù hợp về trình tự thủ tục, hiệu lực  và thể thức kỹ thuật trình bày với quy định của Luật. (Những văn bản này được ban hành chủ yếu trong thời gian trước khi Luật ban hành văn bản QPPL năm 2004 ra đời).

Thực hiện văn bản số 3425/BTP-VĐCXDPL ngày 21/9/2015 của Bộ Tư pháp về việc góp ý dự thảo Chỉ thị triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 4906/UBND-NC1 chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, góp ý vào dự thảo văn bản nói trên. Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về vấn đề này. Về phía địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhiều nội dung quan trọng như: Tổ chức thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi địa phương mình; Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và chịu trách nhiệm về chất lượng, thời gian trình đề nghị, dự thảo văn bản thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chỉ đạo việc lập chuyên mục lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình để tiếp nhận ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chính sách, trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và dự thảo văn bản thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, theo hướng chuyên nghiệp; Bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Ủy ban nhân dân trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; Chỉ đạo rà soát các chỉ thị quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành để bãi bỏ, thay thế bằng các văn bản phù hợp; rà soát các quy định thủ tục hành chính đã được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Từ những chỉ đạo của Thủ tướng, có thể thấy rằng, thời gian tới nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở trung ương và địa phương sẽ nhiều khó khăn, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương trình công tác của đơn vị, địa phương mình, từ đó tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL; chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên, với những chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự quan tâm thực hiện từ địa phương, tin tưởng rằng công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả cao, góp phần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015./.

Kim Lân