Vĩnh Phúc: tổ chức tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

21/10/2015
Nhằm triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đảm bảo người khuyết tật được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước một cách tốt nhất, ngày 15 tháng 10 năm 2015, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cho những người làm công tác trợ giúp pháp lý như Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên và Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý trên toàn tỉnh.
 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hương– Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã biểu dương các đại biểu đến tham dự Hội nghị tập huấn đông đủ, nghiêm túc; đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một chủ trương hết sức đúng đắn, nhân đạo của Đảng và nhà nước ta nhằm bảo vệ đối tượng yếu thế này, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội; chính vì vậy UBND tỉnh rất quan tâm đến việc đưa chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đề nghị các đại biểu tập trung tiếp thu những kiến thức mới để trang bị, củng cố thêm kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ cho bản thân, đảm bảo thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí một cách tốt nhất. 

Tại Hội nghị tập huấn, đại biểu tham dự đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt- Giảng viên khoa tâm lý- Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Thạc sỹ Phạm Đại Đồng- Trưởng phòng Chính sách xã hội- Cục Bảo trợ truyền đạt những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, quy định về mức độ khuyết tật, phương pháp xác định dạng khuyết tật, thủ tục, trình tự cấp giấy xác nhận; chế độ chính sách, mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật… Bên cạnh đó các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Việc kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng đối với người khuyết tật, giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử, giúp người khuyết tật xoá đi các mặc cảm xã hội. 

Qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được trang bị thêm nhiều kiến thức pháp luật mới, một số kỹ năng về tư vấn, trợ giúp pháp lý, rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn khi giải quyết vụ việc, góp phần thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

                                                                                                                        Lê Huyền