Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người có công với cách mạng

06/07/2015
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng đối với người có công, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Các chính sách ưu đãi đối với người có công đã đi vào đời sống xã hội và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Hiện, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 20.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được nhân dân trong tỉnh nhiệt tình tham gia và đạt nhiều kết quả nổi bật. Hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, một trong những chính sách đó có chính sách trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người có công.
 

Thực hiện Quyết định số 07/QĐ-STP ngày 27/02/2015 của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình về việc ban hành kế hoạch Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2015. Ngay từ đầu năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý nhất là trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người có công trên địa bàn tỉnh. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người có công, chủ yếu thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật, truyền thông tuyên truyền pháp luật cho người có công bên cạnh đó, Trung tâm còn cử các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có công tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người có công được kết hợp thực hiện thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, tập trung chủ yếu giới thiệu về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, Nghị định số 20/2015/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng…và các văn bản chính sách của tỉnh đối với người có công với cách mạng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý tại cơ sở, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn giải đáp pháp luật cho 120 trường hợp với 120 vụ việc chủ yếu thuộc lĩnh vực về chính sách của nhà nước đối với người có công và thân nhân của họ được hưởng, về đất đai, về các lĩnh vực pháp luật khác…, phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền pháp luật với nội dung chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và thân nhân của họ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người có công cũng gặp không ít khó khăn như: nhiều người có công và thân nhân của họ chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ này do điều kiện khách quan mang lại, một số người thuộc đối tượng gia đình có công, mẹ liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng …do tuổi già sức yếu lại không có con cháu ở bên cạnh nên việc đi lại để yêu cầu được trợ giúp pháp lý gặp rất nhiều khó khăn; Người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được tập huấn các ký năng, nghiệp vụ chuyên sâu trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có công; do ngân sách địa phương hạn hẹp chưa bổ trí kinh phí riêng nên hoạt động trợ giúp pháp lý cho người có công chưa mang tính chuyên sâu; Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người có công chưa được triển khai riêng biệt mà phải tiến hành lồng ghép thông qua các chương trình như Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo và ngân sách địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trên và đảm bảo cho mọi người có công và thân nhân của họ đều được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, đảm bảo mọi người có công và thân nhân của họ đều được trợ giúp pháp lý miễn phí, đều được giúp đỡ về mặt pháp luật, được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan công quyền khi có vướng mắc về mặt pháp luật cần được giúp đỡ.

Đoàn Thị Ngọc Hải