Sở TP Thái bình: Với công tác tuyên truyền pháp luật phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em 6 tháng đầu năm 2007

30/07/2007
Thực hiện Chương trình công tác của ngành và kế hoạch của Hội đồng PHCT phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2007. Nên ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em theo Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Sở đã tổ chức hội nghị với các thành phần gồm: Thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGD pháp luật cấp tỉnh, lãnh đạo UBND,  Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, triển khai kế hoạch tuyên truyền pháp luật nói chung, nhấn mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em trong năm 2007. Trước mắt tập trung phổ biến một số nội dung chuyên sâu về pháp luật có liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, soạn thảo in cấp 50 bộ tài liệu pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế cho cơ sở làm tài liệu tuyên truyền. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chủ động tổ chức các hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật, trước hết tuyên truyền cho cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên của mình nhận thức được tính chất nguy hại, âm mưu và thủ đoạn phạm tội của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em và quy định của pháp luật Việt nam về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, từ đó tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phòng chống tội phạm này. Công tác tuyên truyền tập trung vào các địa bàn có người đi xuất cảnh, đi buôn bán làm ăn ở nước ngoài hoặc lấy chồng người Trung quốc, những địa bàn vùng xa trung tâm, hai huyện ven biển Thái Thuỵ và Tiền Hải. Về đối tượng tuyên truyền cho phụ nữ nông thôn đang tìm việc làm và trẻ em gái có nguy cơ cao bị lừa gạt, dụ dỗ buôn bán qua biên giới; tập trung tuyên truyền tại các Trung tâm giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động...

Sáu tháng đầu năm 2007, Sở đã có 15 tin, bài  đăng trên Báo Trung ương và địa phương, phát trên sóng phát thanh và truyền hình, Bản tin Tư pháp giới thiệu các quy định của Hiến pháp năm 1992; Bộ luật Hình sự năm 1999; Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ  em và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Lồng ghép nội dung với việc tuyên truyền các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ chăm và Giáo dục trẻ em 2004; Bộ luật dân sự; Nghị định số 150/2005/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh trật tự (về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, dẫn dắt môi giới mại dâm...); Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, đã chỉ đạo tổ chức 15 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động với hơn 3.000 lượt người nghe tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tại mỗi cuộc trợ giúp đều lồng ghép tổ chức truyền thông kiến thức pháp luật cho người dân, trong đó có pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, các luật về hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cung cấp thông tin về tình hình tội phạm có liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em. Trung tâm đã trực tiếp tư vấn cho 215 đối tượng là phụ nữ, trẻ em có những vướng mắc về pháp luật, về các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái, vấn đề lao động, việc làm, thông qua đó trang bị thêm kiến thức pháp luật  cần thiết cho phụ nữ và trẻ em gái khi có nhu cầu tìm việc làm ở nơi xa hoặc đi xuất khẩu lao động…

Đồng thời với công tác tuyên truyền, trong sáu tháng qua thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi không đúng mục đích. Sở Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc các quy trình thẩm định, xác minh chặt chẽ từng hồ sơ; tham mưu với UBND tỉnh ra quyết định số 33/2005/QĐ-UB ngày 25/3/2005 về việc ban hành Quy chế giải quyết cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 16/QĐ-STP ngày 5 tháng 01 năm 2007 ban hành quy chế phỏng vấn việc xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và công nhận việc kết hôn đã được tiến hành ở nước ngoài, nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp, hạn chế sai sót, vi phạm. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2006/ NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 68/2002/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; Bộ Tư pháp có Thông tư số 08/2006/TT-BTP hướng dẫn chi tiết về việc cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động này. Do vậy, Sở làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 33/2005/QĐ-UB vì không còn phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành.

Kết quả sáu tháng đã giao 54 giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài, 4 cháu trẻ em Việt nam cho người nước ngoài nhận làm con nuôi đảm bảo đúng quy định, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có sai sót.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ kế hoạch công tác tuyên truyền đã đề ra. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở thêm các lớp truyền thông về kiến thức pháp luật về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; Phối hợp với Hội phụ nữ các cấp để tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tuyên truyền viên về công tác phòng chống, buôn bán phụ nữ và trẻ em; Phối hợp với các ngành hữu quan và Tư pháp hai huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải để tổ chức các hình thức tuyên truyền pháp luật  phù hợp thiết thực trong nhân dân vùng ven biển và ngư dân; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các nội dung, biện pháp và mục tiêu của Chương trình đã đề ra./.

Nguyễn Ngọc Hiển