Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

17/03/2015
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 806/UBND-NC, ngày 16/3/2015 Sở Tư pháp tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Đình Hy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cùng với hơn 20 đại  biểu là đại diện của các sở, ban, ngành và các phòng chuyên môn của Sở Tư pháp.

Tại Hội nghị các đại biểu chủ yếu tham gia góp ý đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể, về giám sát đối với văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (Điều 15, 26 và 42), nhiều ý kiến cho rằng nên chọn phương án 1 đó là quy định chung trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với văn bản pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội theo hướng chỉ có 2 chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội xem xét là Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, bởi vì quy định như vậy sẽ rõ ràng về chủ thể trình và cũng đảm bảo tính thống nhất trong quá trình xem xét và ra nghị quyết. Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp (các Điều 16, 27, 60 và 72), đa số các đại biểu chọn phương án 1, theo các đại biểu thì việc hỏi và trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn của Quốc hội sẽ đảm bảo tính khách quan và đại biểu sẽ chuyển tải nội dung câu hỏi của mình đến người trả lời chất vấn chính xác hơn.

Về giám sát chuyên đề của Quốc hội (Điều 17), đa số ý kiến cho rằng nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện, vì đây là cơ quan thường trực của Quốc hội, hơn nữa giám sát chuyên đề thường được thực hiện đối với những vụ việc, vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, quyền lợi chính đáng của công dân như án oan, sử dụng ngân sách, đất đai… do vậy, nếu cả Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thực hiện giám sát sẽ dẫn đến giám sát trùng lắp. Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 19, 20, 63 và 64), đa số các đại biểu đều nhất trí quy định đây là hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tuy nhiên dự thảo Luật nên quy định cụ thể thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm nhằm hạn chế việc ban hành nhiều văn bản pháp luật về vấn đề này. Đối với giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (mục 2 Chương III), có ý kiến cho rằng nếu quy định Thường trực Hội đồng nhân dân là chủ thể giám sát độc lập thì bên cạnh khó khăn do cơ cấu của Thường trực chỉ có 03 thành viên như Tờ trình đã nêu thì thực tế cho thấy trình độ, chuyên môn về pháp lý cũng là hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của chủ thể này. Về giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 86), đa số ý kiến đề nghị không quy định Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là chủ thể giám sát, bởi vì Tổ đại biểu chỉ là đơn vị cơ sở của Hội đồng nhân dân, hoạt động, cơ cấu, tổ chức của Tổ ở nhiều địa phương cũng khác nhau, do vậy không nên thực hiện quyền giám sát.

Ngoài các vấn đề chính nêu trên, tại Hội nghị một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên quy định cả chế tài xử lý đối với chủ thể thực hiện giám sát trong trường hợp chủ thể kết luận, kiến nghị không đúng thực tiễn, không đúng quy định của pháp luật, việc quy định như vậy nhằm tăng trách nhiệm của chủ thể giám sát đối với hoạt động của mình. Một số ý kiến cho rằng, tại khoản 2 Điều 64 Dự thảo quy định “người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nữa tổng số đại biểu Hội đồng  nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức”, quy định như vậy sẽ không khả thi và không đảm bảo tín nghiêm minh của pháp luật vì đại biểu có thể xin từ chức hoặc không xin từ chức là phụ thuộc ý chí chủ quan của đại biểu, do vậy cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thêm quy định này.

Trần Thị Túy