Khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Hà Tĩnh

09/02/2015
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 3.912 doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó với vai trò là lực lượng nòng cốt và chủ lực xung kích trên mặt trận kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

Xác định được vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Chú trọng đến tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử; tổ chức Chương trình tọa đàm về các vướng mắc của pháp luật đầu tư và các chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; Thực hiện việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đảm bảo đúng yêu cầu và thời gian quy định. Đặc biệt là trong năm 2014, Sở Tư pháp đã xuất bản 2000 cuốn tài liệu về các chính sách đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tổng hợp các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của HĐND, UBND tỉnh dành cho các đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, được các doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cụ thể:

Thứ nhất là theo quy định tại khoản 6 điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ thì việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp thường đặt các câu hỏi tình huống pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như cách thức để soạn thảo các hợp đồng, xây dựng các báo cáo tài chính để có lợi cho doanh nghiệp… gây lung túng cho cán bộ làm công tác này, vì chưa thể giải đáp thỏa đáng theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai là về nguồn lực đ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Theo quy định tại số 66/2008/NĐ-CP thì Tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn để làm đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh ở Hà Tĩnh lại chưa thành lập các Phòng pháp chế nên đội ngũ cán bộ công tác pháp chế nói chung và công tác hỗ trợ pháp lý nói riêng chủ yếu là đang thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chỉ có số ít thực hiện theo chế đ chuyên trách, vì vậy đã phần nào ảnh hướng đến chất lượng, hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ ba là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp còn thờ ơ với các hoạt động hỗ trợ pháp lý của các sở, ban, ngành. Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò làm cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

Thứ tư là về quy mô hoạt động. Danh nghiệp ở Hà Tĩnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù ý thức việc hoạt động theo đúng quy định pháp luật là điều rất quan trọng nhưng để tiếp cận được hệ thống thông tin một cách đầy đủ chính xác đối với doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, việc tiếp cận các chính sách, chương trình về ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ và của địa phương như các Chương trình về xúc tiến thương mại, đổi mới khoa học công nghệ; tham gia các chính sách ưu đãi về hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh, chính sách ưu đãi về thuế… còn rất khiêm tốn. Việc tiếp cận hạn chế này một phần bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu thông tin, chậm tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp. 

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới Bộ tư pháp sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể; hướng về địa phương thông qua chương trình 585 tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; UBND bổ sung thêm nguồn nhân lực, kinh phí…để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa./.

 Trần Thị Hải Giang