Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố Cần Thơ: Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

24/01/2015
Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố Cần Thơ: Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Cần Thơ, qua một năm thực hiện kế hoạch triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố năm 2014, trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 178 vụ việc cho 178 lượt người khuyết tật, chủ yếu là hội viên Hội người người mù, người bị khuyết tật vận động…
 

Hoạt động trợ giúp pháp lý được tiến hành qua nhiều hình thức như: tư vấn, hòa giải, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nói chung cũng như quyền và lợi ích hợp pháp đặc thù đối với người khuyết tật như: quyền được chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội, học nghề…. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống.

Định hướng trong năm 2015, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố sẽ tăng cường khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo lĩnh vực pháp luật, theo các dạng khuyết tật như: khiếm thị, khiếm thính, khiếm khuyết vận động…; tiếp tục thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người khuyết tật tại trụ sở trung tâm và chi nhánh khi có yêu cầu; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật cư trú, tại các trụ sở của người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác có người khuyết tật; tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý có nội dung liên quan đến người khuyết tật tại các xã, phường thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống…

Theo Sở Lao động - thương Binh và xã hội thành phố Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 19.831 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 1,58 % so với dân số. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của nhà nước và xã hội nên ngoài việc thực hiện bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì họ cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật. Do đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật của người khuyết tật là rất lớn.