Hà Nam: Hỗ trợ pháp lý cho người bị bạo lực gia đình thí điểm qua mô hình “Địa chỉ tin cậy”- Kết quả, khó khăn và giải pháp khắc phục

21/01/2015
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạo lực đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế - xã hội. Mà đó là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm,là vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu.
 

Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình. Nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới. Hà Nam một tỉnh nhỏ gần như nhất nước Việt Nam, xã Thanh Châu – TP Phủ Lý – Hà Nam, là một xã thuần nông  địa bàn xã có 7 tổ dân số, 1.935 hộ, gần 7.000 nhân khẩu, đơn vị thực hiện thí điểm hỗ trợ pháp lý cho người bị bạo lực gia đình qua mô hình: “Địa chỉ tin cậy”.

Tại địa bàn xã Thanh Châu – TP Phủ Lý – Hà Nam về vấn đề Phòng chống bạo lực gia đình chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chỉ tiếp cận được với các vụ việc nặng nề, gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội của địa phương. Năm 2011, Hội phụ nữ xã được thụ hưởng dự án “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội nhằm giải quyết vấn đề Bạo lực gia đình tại Việt Nam” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung tâm CSAGA thực hiện. Hoạt động của Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ban quản lý dự án CSAGA

Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Châu đã xây dựng kế hoạch báo cáo Đảng ủy, phối hợp với UBND và các ban ngành đoàn thể phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện. Ngày 24/4/2013, Chủ tịch UBND phường Thanh Châu đã công nhận “Địa chỉ tin cậy” và ra quyết định thành lập hệ thống mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại 7 tổ dân phố gồm có 35 thành viên. Mạng lưới họp và lựa chọn địa điểm xây dựng địa chỉ tin cậy để gần gũi và thân thiện với người bị bạo lực. Cuối cùng, “Địa chỉ tin cậy” được chọn đặt tại nhà riêng của chủ tịch hội phụ nữ phường. Cán bộ trực “Địa chỉ tin cậy”  được tập huấn về kỹ năng hỗ trợ người bị bạo lực gia đình qua sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, nó là phương thức kết nối với mạng lưới hỗ trợ tại xã được dự án hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ các cơ sở vật chất như: giường gấp, chăn màn, tủ thuốc,…

Khi đến “Địa chỉ tin cậy” các nạn nhân sẽ được hỗ trợ kinh phí ăn, uống (cụ thể ăn 30.000đ/ người/ ngày, tối đa 3 ngày tạm trú) và hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe và pháp luật.

Các hoạt động trợ giúp pháp lý  của “Địa chỉ tin cậy”

Hình thức hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình từ địa chỉ tin cậy nhằm giúp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình đó là: Tư vấn tại chỗ cho những nạn nhân bạo lực gia đình khi họ tìm đến Địa chỉ tin cậy. Ngoài ra còn tư vấn và hỗ trợ qua điện thoại di động của cán bộ địa chỉ tin cậy.

Muốn giúp đỡ và gỡ rối cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình thì các cán bộ của Địa chỉ tin cậy phải tìm hiểu các thông tin liên quan tới vụ việc như: gia đình, hàng xóm, con cái, các mối quan hệ… để hỗ trợ người bị bạo lực gia đình lựa chọn phương án hỗ trợ thích hợp giúp họ tránh được những hậu quả không đáng có của bạo lực gia đình gây ra,….

Ngoài ra, còn kết nối với mạng lưới để hỗ trợ nạn nhân  như: Tổ hòa giải, Công an, Uỷ ban nhân dân, Hội phụ nữ huyện/tỉnh hoặc Ban quản lý dự án…. Ghi chép theo dõi hoạt động của địa chỉ tin cậy để có cơ sở theo dõi và hỗ trợ cho từng ca phù hợp.

Chúng tôi luôn quan niệm, để hỗ trợ triệt để cho nạn nhân bạo lực gia đình thì cũng cần xử lý hành vi của người gây bạo lực. Vì vậy, cần phải hợp tác chặt chẽ với mạng lưới ở xã để xử lý và giám sát hành vi của người gây bạo lực. Báo cáo tình hình hoạt động trợ giúp người bị bạo lực gia đình của “Địa chỉ tin cậy” ngay sau khi tiếp nhận vụ việc với thường vụ Đảng ủy, xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp với UBND phường, công an phường để giải quyết vụ việc. Với những vụ việc phức tạp, sẽ tổng hợp lại và báo cáo hàng tháng với Ban chấp hành đảng bộ phường để Đảng ủy viên phụ trách các chi bộ phối hợp can thiệp và hỗ trợ người bị bạo lực.

Bên cạnh đó các cán bộ của “Địa chỉ tin cậy” cần thường xuyên trao đổi chuyên môn những ca khó và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn tại các buổi họp kỹ thuật từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh và CSAGA (3 tháng/lần). Lồng ghép với các hoạt động của địa phương và hoạt động của dự án để giới thiệu về dịch vụ của Địa chỉ tin cậy.

Ngoài ra, các cán  bộ của Địa chỉ tin cậy cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, truyền hình, Báo Gia đình và xã hội, Báo Phụ nữ, Báo Lao động thông tin về hoạt động của địa chỉ tin cậy đến với nạn nhân của Bạo lực gia đình nhanh và gần nhất, Văn phòng đều có thông báo cụ thể phát trên hệ thống truyền thanh xã để chị em biết để tham dự và được giải đáp các vướng mắc.

Kết quả hoạt động

Từ khi thành lập đến nay, “Địa chỉ tin cậy” đặt tại xã Thanh Châu – TP Phủ Lý – Hà  Nam đã tiếp nhận 35 người bị bạo lực gia đình đến nhờ sự giúp đỡ. 100% chị em đến địa chỉ tin cậy đều được tư vấn tâm lý và tư vấn trợ giúp pháp lý. Có khoảng gần 50% chị em đến “Địa chỉ tin cậy”  nhiều lần để được tư vấn, có trường hợp đến  5-6 lần. Ngoài ra có 2 chị em đã tạm trú tại “Địa chỉ tin cậy”, trong đó có trường hợp tạm trú dài ngày nhất là 7 ngày. Cá biệt có trường hợp chị em được người nhà (mẹ và chị gái, anh trai, bạn bè) đưa đến để tư vấn được hỗ trợ kịp thời

Ví dụ vụ việc nhà anh T. và chị D, sau khi nhận được tin báo và điện thoại của người nhà, cán bộ trực “Địa chỉ tin cậy”  đã xin ý kiến chỉ đạo của thường vụ và tổ chức thành lập đoàn đến tận gia đình, hòa giải, và lập biên bản vi phạm

Có được những kết quả như đã nêu trên là do được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp của Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể,… sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ Ban chấp hành Hội phụ nữ của xã và đặc biệt thời điểm thành lập và hoạt động của “Địa chỉ tin cậy” có nhiều yếu tố thuận lợi về chủ trương chính sách theo nghị quyết TW 11 của Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt nam. Dự án tạo điều kiện về kỹ thuật, cơ sở vật chất, kinh phí, kiến thức, kỹ năng tư vấn và kỹ năng hỗ trợ. Sự thay đổi nhận thức của một số chị em phụ nữ, đã bước đầu tiếp cận với dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng được hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kêt quả đã đạt được thì hoạt động hỗ trợ pháp lý thông qua hình thức “Địa chỉ tin cậy” cũng gặp phải một số những khó khăn cơ bản như: Nhận thức của phụ nữ về Bạo lực gia đình còn nhiều hạn chế như tâm lý còn e ngại xấu hổ, không dám chia sẻ câu chuyện bị bạo lực của mình nên vì vậy họ còn rất ngại sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương;

Bên cạnh đó kinh phí duy trì các hoạt động tuyên truyền tại địa phương không có, rất khó để có thể thực hiện được hình thức này lâu dài; Văn bản hướng dẫn thi hành luật còn thiếu tính hệ thống, chưa rõ ràng cụ thể;

Đối tượng gây bạo lực là người có tâm lý không ổn định, nhiều khi đối tượng gây bạo lực có sử dụng rượu, hoặc ma túy…

Các biện pháp xử lý người gây bạo lực tại các cơ quan địa phương chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến sự nhận thức về mức độ nguy hại của người gây bạo lực còn hạn chế;

Nhận thức về bạo lực gia đình của một số ngành liên quan còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức,… Các quy chế bảo vệ và chế độ quan tâm đến người làm công tác bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình chưa có. Cơ chế chính sách đáp ứng cho công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế, chưa được quan tâm nên dẫn đến việc triển khai chậm, chưa hiệu quả.

Vì vậy, trong thời gian tới để giảm thiểu được các vụ về bạo lực gia đình thì việc hoạt động của “Địa chỉ tin cậy”  là cần thiết và đặc biệt gần gũi với chị em bị bạo lực gia đình. Cụ thể cần triển khai thực hiện một số các hoạt động như:

Cần quan tâm tới việc cung cấp các tài liệu liên quan, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cho người làm công tác tư vấn/ tuyên truyền. Bên cạnh đó cần ban hành quy chế đảm bảo an toàn, có chế độ quan tâm đầu tư và bảo vệ người làm công tác tại“Địa chỉ tin cậy”

Hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí để hoạt động của “Địa chỉ tin cậy”  đến được với nhiều chị em tại cộng đồng, và nhiều chị em biết đến “Địa chỉ tin cậy”, ví dụ cần có giới thiệu về hoạt động của “Địa chỉ tin cậy”  tại các buổi truyền thông hoặc họp nhóm tại thôn/xã...

Khi triển khai thi hành luật cần có hệ thống đồng bộ, có tính liên kết giữa các ngành liên quan, đặc biệt là ngành công an và các cán bộ ở cấp thôn;

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ, bạo lực gia đình, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ mình;

Khuyến khích những người bị bạo lực gia đình tình nguyện tham gia tuyên truyền về các buổi tập huấn về bạo lực gia đình;

Có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội để đẩy lùi  và loại bỏ hành vi bạo lực gia đình ra khỏi đời sống xã hội./.

 Nguyễn Thị Loan