Hậu Giang: Tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập thí điểm “Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”

19/01/2015
Xác định doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động. Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ngoài chủ trương, đường lối của tỉnh thì một yếu tố cốt lõi, quan trọng để đưa doanh nghiệp đến con đường thành công chính là mức độ am hiểu pháp luật của doanh nghiệp. Chính vì vậy, trên cơ sở đồng ý của Bộ Tư pháp (công văn số 3324/BTP-PLDSKT ngày 30/7/2014 của Bộ Tư pháp đồng ý về việc thành lập Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang), ngày 05/11/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1543/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang (gọi tắt là Quyết định số 1543)

Trên cơ sở Quyết định số 1543 ngày 05/01/2015, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-STP về việc bổ nhiệm ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang kiêm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang.

Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang được thành lập nhằm huy động các nguồn lực triển khai có hiệu quả hơn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp và từng bước xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Chính phủ giao tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Việc thành lập Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang căn cứ vào Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 66/2008/NĐ-CP; Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28 tháng 4 năm 2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã (nay đã thay thế bằng Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014) và Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2014 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Thực tế hiện nay, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 2.923 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 21.494 triệu đồng; có 369 chi nhánh và 36 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động. Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người chủ sở hữu doanh nghiệp đồng thời thực hiện các chức năng và vai trò khác nhau trong tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp. Khả năng tiếp cận thông tin thị trường và các văn bản pháp luật liên quan của các doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế; lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng kinh nghiệm trong buôn bán cá thể, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhưng chưa nắm vững về quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề mình kinh doanh. Do hạn chế trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nên hiệu quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp; chưa có biện pháp phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chưa có sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện bảo hộ quyền, lợi ích của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh; chưa minh bạch, công khai trong sản xuất kinh doanh, kê khai thuế, thanh toán nợ, chế độ lương, hợp đồng lao động; quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm, nhất là vấn đề bảo hộ, an toàn lao động và nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết cách khai thác hiệu quả các thông tin pháp luật trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta đặc biệt pháp luật về kinh tế, thương mại có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cả văn bản của tỉnh. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh đã có sự quan tâm đến doanh nghiệp và triển khai nhiều hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong phương thức để phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp. Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định của pháp luật và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời khiến cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ, công nghiệp được chú trọng phát triển và tương lai không xa, Hậu Giang hứa hẹn là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển, có sức thu hút đầu tư cao; quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Mặt khác, Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới - WTO thì nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp là rất cao. Vì vậy, việc thành lập ”Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để giúp Sở Tư pháp triển khai các nhiệm vụ theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là phù hợp với nhu cầu cấp thiết hiện nay. Việc tỉnh Hậu Giang thành lập Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được coi là tỉnh đầu tiên, đi đầu trên cả nước thực hiện thí điểm việc thành lập Trung tâm này nhằm tạo bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ths. Trần Minh Sơn – Bộ Tư pháp