Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Khánh Hòa

21/08/2014
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Khánh Hòa
Sáng ngày 18/8/2014, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp (BCĐCCTP) Trung ương do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban BCĐCCTP tỉnh cùng các thành viên BCĐCCTP tỉnh, đại diện các cơ quan: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh, Ban pháp chế HĐND tỉnh đã  làm việc với Đoàn công tác.

Ngay sau khi có Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 35-BC/CCTP, ngày 12/3/2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về kết quả 08 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tiến hành củng cố, kiện toàn và bổ sung thành viên của BCĐCCTP tỉnh, xây dựng Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 15/5/2014 thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện kết luận. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo đúng Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, các quy định của Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, đường lối trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP; Chỉ đạo việc xây dựng các đề án, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản do cơ quan, tổ chức ở địa phương ban hành liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc tự sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan tư pháp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tăng cường phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Được xác định là vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp, thời gian qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Tòa án đạt khá tốt, đã giải quyết 2.537/3.667 vụ án các loại, đạt 69%; chất lượng công tác xét xử không ngừng nâng cao, số án bị hủy, bị sửa được khống chế dưới tỷ lệ quy định của ngành. Công tác thi hành án dân sự có nhiều tiến bộ, đã đưa ra thi hành xong 2.183 việc, đạt 32%. Các hoạt động bổ trợ tư pháp luôn được quan tâm và tăng cường, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các hoạt động quản lý hành chính tư pháp ở địa phương. Đội ngũ cán bộ tư pháp tiếp tục được bổ sung và tăng cường, có chuyển biến rõ nét về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động được quan tâm đầu tư, điều kiện hoạt động cơ bản được đảm bảo.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã kiến nghị với Đoàn công tác đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn hoặc ban hành quy trình giải quyết án phá sản, thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài vì số lượng án này có chiều hướng gia tăng nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên quá trình thực hiện còn lúng túng; Quan tâm đến nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự tại địa phương; Có quy định, hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung, sửa đổi chế tài đối với một số trường hợp phạm tội về ma túy nhưng được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật không thể giam giữ, truy cứu hoặc thi hành án được; Trước khi các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực được thành lập, cần có phương án, kế hoạch bổ sung biên chế, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, công chức của cơ quan tư pháp các cấp; hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang, thiết bị cần thiết phục vụ công tác...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao việc Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo quán triệt, triển khai kịp thời Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị, qua đó góp phần giúp chất lượng hoạt động tư pháp của tỉnh được nâng lên. Để đảm bảo chuẩn về lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, đồng chí yêu cầu tỉnh Khánh Hòa nên sớm tổ chức riêng lớp đào tạo trung cấp chính trị cho khối cơ quan tư pháp. Về lớp cao cấp lý luận chính trị, Đoàn sẽ có báo cáo đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để bố trí một lớp dành cho cán bộ tư pháp của một số tỉnh (trong đó có tỉnh Khánh Hòa). Tỉnh ủy cũng cần tiếp tục tập trung chỉ đạo đối với những vụ án tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm; tham gia xây dựng thể chế…

                                                     Ngọc Minh