Những khó khăn và một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác Trợ giúp pháp lý ở tỉnh Quảng Ngãi

20/02/2014
Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2007.

Đây là văn bản pháp luật ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…, khi có nhu cầu sẽ được tư vấn pháp luật miễn phí và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đi cùng và giải quyết những vướng mắc pháp luật của người dân, công tác TGPL ở Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình và thực sự bám rễ trong đời sống pháp luật được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, tin cậy, được Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư.

Những khó khăn chung nhìn thấy

Mặc dù đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ nhưng trước yêu cầu của thực tiễn đất nước, trước yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, công tác TGPL vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, về mạng lưới TGPL ở cơ sở: Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL trình độ pháp luật còn nhiều hạn chế. Hoạt động của Câu lạc bộ chưa đồng đều. Nhiều nơi chính quyền địa phương chưa thật quan tâm tạo điều kiện để Câu lạc bộ TGPL hoạt động tốt. Mạng lưới cộng tác viên trong toàn tỉnh nhiều về số lượng nhưng thực tế rất ít hoạt động, đa số họ không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng không lập hồ sơ vì vậy kết quả công việc không được ghi nhận.

Thứ hai, về công tác TGPL lưu động: Một số địa phương còn chưa thật sự quan tâm phối hợp với Trung tâm để công tác TGPL đạt hiệu quả. Có nhiều địa phương đề nghị hoãn tổ chức TGPL lưu động nhiều lần mặc dù đã có kế hoạch, khảo sát từ trước.Ở một số địa phương người dân tham dự buổi TGPL lưu động phần lớn là những người không thuộc đối tượng được TGPL, hoặc là cán bộ Chính quyền, hội Đoàn thể tham dự nên hoạt động TGPL của Trung tâm không đạt được mục đích. Chỉ áp dụng được một số vấn đề pháp luật chung cho một số đối tượng là Cán bộ ở sở. Hơn nữa, do đặc thù nhiều địa phương là miền núi nên đường giao thông đi lại rất khó khăn, hầu hết các đợt TGPL lưu động phải đi lại bằng phương tiện xe máy, đôi khi phải đi bộ vào tận các thôn bản để phổ biến pháp luật cho bà con, bên cạnh đó do đặc điểm của cuộc sống bà con nơi đây là ban ngày đi làm nương rẫy cho nên phải tổ chức các buổi sinh hoạt vào ban đêm. Giữa đồng bào và các cán bộ TGPL còn có khoảng cách rất xa về tiếng nói, phong tục đa số bà con không biết tiếng kinh và cán bộ trợ giúp pháp luật cũng không nắm bắt được ngôn ngữ, phong tục của đồng bào, điều đó đã làm cho bà con còn e dè khi tham gia các buổi sinh hoạt pháp luật cũng như hỏi các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, về con người và trang thiết bị phương tiện làm việc: Đội ngũ làm công tác TGPL chuyên trách của Trung tâm phần lớn là cán bộ trẻ mới tốt nghiệp nên chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng TGPL. Người thực hiện TGPL còn chưa được chú trọng, tăng cường, phân bổ chưa đồng đều phù hợp với tính chất vùng miền và thiếu qui hoạch tổng thể. Chế độ đãi ngộ đối với người thực hiện TGPL chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến việc tuyển dụng người vào làm việc trong tổ chức thực hiện TGPL thiếu tính khuyến khích và hấp dẫn. Dự án “Hỗ trợ hệ thống Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009” đã kết thúc và chưa có sự hỗ trợ của dự án mới, hiện nay các khoản thù lao thanh toán cho Cộng tác viên theo quy định của Nhà nước đã không khuyến khích được sự tham gia tích cực của Cộng tác viên. Trang thiết bị và phương tiện làm việc, cơ sở vật chất của nhiều Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm chưa đảm bảo đầy đủ để hoạt động được tốt và thuận lợi.Hầu hết tổ chức thực hiện TGPL có điều kiện làm việc chưa thuận lợi cho dân tiếp cận, phần lớn chưa có trụ sở riêng mà chỉ nằm chung trong khuôn viên của Sở Tư pháp (gây tâm lý e ngại cho đối tượng đến Trung tâm ). Vì vậy, đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thiết thực của công tác TGPL hiện nay.

Thứ tư, thiếu sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng: Không ít trường hợp đối tượng được TGPL là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nhưng khi đưa ra xét xử thì đã đủ 18 tuổi. Tòa án cho rằng bị cáo đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không thông báo cho Trung tâm để Trung tâm cử Trợ giúp viên hoặc luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, có cơ quan còn làm khó bằng cách yêu cầu luật sư là cộng tác viên phải xuất trình giấy giới thiệu của văn phòng luật sư dù đã có quyết định của Trung tâm trợ giúp pháp lý cử tham gia tố tụng. Yêu cầu này không phù hợp với Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT của liên ngành Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính –VKSND tối cao – TAND tối cao (nay là Thông tư liên lịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn một số quy định về Luật trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng)

Thứ năm, các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có nhiều tiềm năng, có khả năng nhưng vẫn chưa tích cực tham gia TGPL vì chưa có cơ chế cụ thể. Tổ chức tham gia TGPL của các tổ chức đoàn thể xã hội mới mang tính thí điểm và dựa vào Nhà nước mà chưa chủ động. Sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện TGPL vẫn chưa chặt chẽ.

Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả

Khi những khó khăn nêu trên chưa được khắc phục, giải quyết thì quyền được Trợ giúp pháp lý vẫn còn là bến bờ xa vời đối với người dân (đối tượng được TGPL),và ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động này chưa được thực hiện trọn vẹn. Từ thực trạng trên, xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý như sau:

Thứ nhất: Tăng cường đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất. Một trong những điều kiện đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý là vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất, đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý thì vấn đề này không những đảm bảo sự yên tâm trong công tác còn đối với Cộng tác viên thì đây là vấn đề đảm bảo cho hoạt động và khuyến khích họ tham gia để tăng thu nhập. Để tạo điều kiện cho hoạt động TGPL ổn định, đảm bảo hiệu quả trợ giúp pháp lý thì Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, tăng cường về kinh phí và cơ sở vật chất như trụ sở làm việc của trung tâm và các chi nhánh, máy móc, phương tiện đi lại….. Đồng thời có chế độ hỗ trợ để đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể yên tâm thực hiện trợ giúp như việc cấp bổ sung kinh phí không tự chủ cho hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm; có chế độ trợ hỗ trợ về tiền lương nhằm thu hút những nhân sự có trình độ và năng lực vào công tác, bổ sung vào nguồn biên chế còn thiếu tại Trung tâm. 

Thứ hai: Tăng cường tuyên truyền về chính sách TGPL. Có thể nói không phải tất cả những các đối tượng được trợ giúp pháp lý đều tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu khi có vấn đề pháp luật phát sinh. Nguyên nhân chính là do nhiều người vẫn chưa biết được những chính sách về TGPL miễn phí của nhà nước, do vậy họ cũng không biết là họ thuộc diện được nhà nước TGPL miễn phí khi có yêu cầu. Vì vậy, để thực hiện trợ giúp pháp lý thì trước tiên phải làm cho người được trợ giúp pháp lý biết về chính sách trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của họ, về người và tổ chức TGPL, các địa chỉ mà họ có thể tìm đến…việc tuyên truyền này cũng không thể giao hết cho Trung tâm TGPL hay cơ quan tư pháp mà phải là trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở, nơi gần gũi với nhân dân sẽ hướng dẫn cho các đối tượng tìm đến trung tâm TGPL khi có vướng mắc pháp luật.

Bên cạnh đó, trong quá trình TGPL, người thực hiện TGPL phải giải thích cho đối tượng 06 quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại do họat động trợ giúp pháp lý gây ra và quyền lựa chọn hay yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đây là những quyền đặc biệt đảm bảo cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng chứ không phải chỉ là hoạt động mang tính hình thức…

Thứ ba: Nâng cao kỹ năng TGPL. Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý, các dịch vụ pháp lý này bao gồm tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và hình thức khác. Để các dịch vụ này đảm bảo chất lượng, hiệu quả thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý hiện đa phần là có trình độ và am hiểu pháp luật, nhưng lại thiếu kỹ năng TGPL. Để khắc phục tình trạng này, trung tâm cần thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng tư vấn cho đội ngũ này. 

Thứ tư: Xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Để có nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác TGPL thì cần thu hút được đội ngũ công tác viên là những người có trình độ pháp luật, có tâm huyết làm trợ giúp pháp lý, nhất là lực lượng luật sư, luật gia… Điều này cũng là cách để xây dựng thương hiệu trợ giúp pháp lý trước khi hoàn thiện về mặt kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ trợ giúp viên để đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý. Để làm được điều này cần tổ chức rà soát để lựa chọn được những người có trình độ pháp luật, có tâm huyết đang công tác tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Đồng thời bố trí được mức thù lao hợp lý cho đội ngũ cộng tác. Xây dựng quan hệ bình đẳng giữa trung tâm TGPL và công tác viên dựa trên “hợp đồng”, bất kỳ bên nào cũng đều có thể chấm dứt hợp đồng, xây dựng cơ chế quản lý cộng tác viên thật sự hiệu quả để phát huy sức mạnh của đội ngũ này.

Thứ năm: tăng cường công tác phối hợp trong việc thực hiện TGPL. Hoạt động phối hợp trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý hiện nay mới chỉ dừng lại ở các cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ qui định một nghĩa vụ chung chung về sự phối hợp, yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý chứ chưa qui định trách nhiệm nếu không thực hiện và chế tài nếu không thực hiện như thế nào. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phối hợp và cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo cho sự phối hợp.

                                                                        Minh Nhất