Trường Trung cấp Luật Vị Thanh tổ chức Hội nghị Tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

01/01/0001
Trường Trung cấp Luật Vị Thanh tổ chức Hội nghị Tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã bế mạc vào ngày 29/11/2013. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng, Quốc hội đã xem xét 10 dự án luật và thông qua tổng cộng 8 luật, đặc biệt là thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013 với nhiều nội dung đổi mới, có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Để đảm bảo trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời, nhằm tuyên truyền, phổ biến những nội dung quan trọng của kỳ họp Quốc hội đến toàn thể cử tri cả nước nói chung, cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tỉnh Hậu Giang nói riêng, ngày 12/12/2013, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của 03 Đại biểu Quốc hội: TS. Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Lê Hồng Tịnh - Ủy viên thường trực của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS. Nguyễn Thanh Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cùng với sự tham gia đông đảo của gần 200 cử tri là cán bộ, công chức, viên chức và học viên đến từ các đơn vị: Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang, Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Hậu Giang, Trường Trung cấp Nghề tỉnh Hậu Giang, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang.

Để tạo điều kiện cho cử tri nắm rõ tình hình của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, TS. Nguyễn Thanh Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã báo cáo tóm tắt nội dung chính của kỳ họp, trong đó chủ yếu nhấn mạnh những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi, các Luật được thông qua, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung các dự luật, sự ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Tiếp đó, để tạo cho cử tri có cái nhìn tổng quan về bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, TS. Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã thay mặt đoàn báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam, đánh giá thực trạng tình hình chuyển biến, phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc cần phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các Luật.

Tại buổi thảo luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận 14 ý kiến và các đề xuất của đại biểu tham dự, những nội dung thảo luận về những nội dung đổi mới của Hiến pháp sửa đổi, các Luật sửa đổi, bổ sung đến công tác đào tạo, chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là chất lượng các cơ sở giáo dục đại học và ảnh hưởng của nó đối với học viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; vấn đề việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, một số nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận như: chi phí tổ chức kỳ họp Quốc hội, vấn đề tội phạm và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, vấn đề giảm biên chế Nhà nước và sự tác động của nó đến giáo dục,… Sau hơn một giờ trao đổi thảo luận tập trung, sôi nổi, trách nhiệm, hầu hết các thắc mắc của cử tri đều được Đại biểu Quốc hội trả lời dứt điểm và ghi nhận sự phản ánh của cử tri để tiếp tục trao đổi, đề xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết được nêu.

Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Thanh Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã đánh giá cao sự tham gia thảo luận của các cử tri, xác định những đối tượng cử tri là thanh niên cần phải nắm vững các quy định mới của Hiến pháp và các Luật, cho rằng đây là cuộc tiếp xúc hữu ích, cần được các giáo viên, học viên nhà trường tuyên truyền, phổ biến những nội dung sửa đổi đến các đối tượng là người thân, gia đình, xã hội; đồng thời tin tưởng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với Trường Trung cấp Luật Vị Thanh trong thời gian tới. TS. Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã bày tỏ niềm tin và mong muốn: Với vai trò là một cơ sở giáo dục chuyên đào tạo pháp luật, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh nghiên cứu thành lập Tổ Công tác triển khai Hiến pháp nhằm phối hợp phổ biến, tuyên truyền những nội dung mới của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đến đông đảo cử tri địa phương. Ông cho rằng đây là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa với tập thể sư phạm Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, đa dạng nội dung và phương thức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một đơn vị trực thuộc trung ương đóng tại địa phương.

Với những kết quả đạt được và những gửi gắm của Đại biểu Quốc hội, thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường và toàn thể cử tri, TS. Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến Đại biểu Quốc hội vì đã cung cấp một lượng lớn thông tin của kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, lấy làm vinh dự, tự hào và càng tin tưởng về người đại biểu dân ý. Trong thời gian tới, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh sẵn sàng là “Tổ Thư ký” giúp việc cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang để tiếp tục tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, rộng khắp và thiết lập diễn đàn bổ ích để kịp thời tuyên truyền đến cử tri địa phương về những chuyển biến trong đời sống chính trị pháp lý của đất nước./.


tcluatvithanh