Tình hình tổ chức và hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn 6 tháng đầu năm 2013

01/08/2013
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, trong 6  tháng đầu năm 2013, tình hình tổ chức và hoạt động pháp chế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.

Trong công tác triển khai thực hiện: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 30/3/2013 về thực hiện công tác pháp chế năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sở Nội vụ và Sở Tư pháp ban hành Hướng dẫn liên ngành số 32/HD/SNV-STP ngày 08/02/2013 hướng dẫn về tiêu chuẩn công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách làm công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị. Các sở, ban, ngành đã ban hành Kế hoạch công tác pháp chế (hoặc kế hoạch công tác tư pháp) năm 2013 của đơn vị.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế các sở, ban, ngành của tỉnh:

Theo Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh, thành lập Phòng pháp chế ở 17 sở, ngành (16 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn). Đến hết tháng 6/2013 đã có 12 sở, ngành đưa Phòng pháp chế đi vào hoạt động, 01 Sở ghép Phòng pháp chế với phòng chuyên môn khác (Sở Giáo dục và Đào tạo), còn 04 Sở chưa đưa Phòng pháp chế đi vào hoạt động do chưa bố trí được cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo Điều 11 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, do vậy mới tạm thời bố trí cán bộ pháp chế kiêm nhiệm.

Ngày 17/7/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 về sửa đổi, bổ sung Đề án thành lập Phòng Pháp chế ban hành kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 và Quyết định số 1296/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh, theo đó thành lập thêm Phòng pháp chế tại Văn phòng UBND tỉnh (nâng tổng số sở, ban, ngành thành lập Phòng pháp chế lên 18 đơn vị); bổ sung nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho Phòng pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách theo Nghị định số 48/2013/NĐ-CP.

Đối với 02 cơ quan chuyên môn không thành lập Phòng pháp chế (Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh) đã bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách (Thanh tra tỉnh) hoặc kiêm nhiệm (Sở Tư pháp).

Tổng số cán bộ pháp chế các sở, ban ngành của tỉnh là 28 người, trong đó chuyên trách 20/28 người, kiêm nhiệm là 08/28 người. Về trình độ: 23/28 người có trình độ Đại học Luật, còn lại là trình độ chuyên ngành khác.

Về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn công tác pháp chế:

- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL): Cán bộ pháp chế đã tổng hợp, đề xuất với Lãnh đạo cơ quan xây dựng dự kiến các văn bản QPPL sẽ xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành trong năm 2013 thuộc phạm vi quản lý của Ngành; chủ trì hoặc phối hợp với các bộ phận chuyên môn tổ chức xây dựng các dự thảo văn bản QPPL đã đăng ký trình HĐND, UBND tỉnh. Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản QPPL do các đơn vị khác soạn thảo và giúp Thủ trưởng cơ quan chuẩn bị văn bản góp ý vào dự thảo văn bản QPPL của Trung ương, của địa phương liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến; tham mưu cho Lãnh đạo cơ quan tổ chức lấy ý kiến góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý đối với thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo kế hoạch của tỉnh.

- Công tác rà soát, hệ thống VBQPPL: Cán bộ pháp chế các sở, ngành đã chủ trì, phối hợp với các phòng ban chuyên môn của đơn vị rà soát các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và theo đề nghị của Sở Tư pháp, đặc biệt là phối hợp với Sở Tư pháp rà soát các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành từ năm 1982 đến năm 2012.

- Công tác kiểm tra văn bản QPPL: Tham mưu cho Lãnh đạo cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tự kiểm tra các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành đối với các văn bản ngành mình đã chủ trì xây dựng, tham mưu cho tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, một số đồng chí là Cộng tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh, được cơ quan kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp) hợp đồng kiểm tra đối với các văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. 

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Tham mưu cho Lãnh đạo sở, ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị, cuộc họp cơ quan để tuyên truyền, phổ biến các văn bản QPPL của trung ương và của tỉnh mới ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, các văn bản được tập trung phổ biến như: Bộ luật Lao động; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi năm 2012); Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật… Một số sở, ngành đã tích cực tổ chức triển khai các Đề án, Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật theo sự phân công của tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…).

- Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Một số sở, ngành đã ban hành kế hoạch và tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình (như các Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công thương...).

 Có thể nói rằng, trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có bước phát triển quan trọng. Mạng lưới tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh đã thực sự hình thành. Các mặt nghiệp vụ công tác pháp chế được các sở, ban, ngành quan tâm triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định./.

Vũ Quang Hưng - Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn