Trợ giúp pháp lý “bà đỡ” pháp luật cho nhân dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên

08/05/2013
Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố trong đó có 4 huyện nghèo nằm trong Đề án 30a/CP của Chính phủ.  Toàn tỉnh có 112 xã, phường, thị trấn ( trong đó có 74 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn  và biên giới) với 1.684 thôn, bản, tổ dân phố, dân số gần 50 vạn người, là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống với 19 dân tộc anh em, nhìn chung trình độ văn hoá và nhận thức của người dân còn hạn chế, một bộ phận thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật. Chính vì vậy, dẫn đến những khó khăn trong việc tiếp cận các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Anh  Đinh Công Sinh, Trợ giúp viên, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh còn nhớ mãi đợt đi trợ giúp pháp lý đầu năm 2013 tại các xã vùng cao Na Son, Phì Nhừ của huyện Điện Biên Đông. Anh cho biết: Chưa đến giờ làm việc mà đã có hơn 100 người dân của xã trên đã tập trung tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để được trợ giúp pháp lý. Hôm đó, nhiệm vụ của Đoàn trợ giúp là giải đáp những vướng mắc của bà con và thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật 145 vụ việc vướng mắc pháp luật. Đồng thời tại các buổi lưu động Đoàn công tác đã phát miễn phí các loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực: pháp luật về hôn nhân và đăng kí khai sinh, nội dung quy định pháp luật về trẻ em, nội dung cơ bản về đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; kết thúc đợt công tác Đoàn đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 213 vụ việc cho 215 người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 Để thực sự trở thành “bà đỡ” của người dân về pháp luật, hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo lộ trình đề ra trong Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đã thành lập thêm 01 Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên trên địa bàn huyện Mường Nhé, nâng tổng số chi nhánh trực thuộc lên 4 chi nhánh. Công tác trợ giúp pháp lý được nâng cao thông qua việc tăng về số lượng và bảo đảm chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng, hoạt động của Cộng tác viên, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội thông qua các hoạt động tư vấn tại trụ sở; TGPL lưu động; cử Trợ giúp viên, cộng tác viên là luật sư tham gia tố tụng, hòa giải, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu TGPL trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên và các Chi nhánh đã thực hiện TGPL 1.307 vụ việc cho 1.402 người có đơn yêu cầu TGPL; thực hiện được 43 đợt TGPL lưu động tại 05 huyện, thu hút 6.714 lượt người tham dự, giải đáp 979 vướng mắc pháp luật.

Theo ông Phạm Ngọc Thiệm, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: Xác định đối tượng cần trợ giúp pháp lý ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên Trung tâm tập trung nhiệm vụ cho hoạt động trợ giúp lưu động. Quý I năm 2013, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện 8 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Ảng. Trong các đợt TGPL lưu động, đã thu hút được 1.607 lượt người tham dự (trong đó: 1.346 nam và 261 nữ); thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật tại chỗ cho 338 việc/ 338 người. Thực hiện trợ giúp pháp lý được 396 việc/ 399 người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đồng thời Đoàn công tác đã phát miễn phí các loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật về các lĩnh vực: Nội dung quy định pháp luật về trẻ em, nội dung cơ bản về đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bạn với trợ giúp pháp lý, pháp luật về bạo lực gia đình và hành vi nhận diện, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn và một số quy định về đăng ký khai sinh; các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa... Các tài liệu này đã góp phần đưa pháp luật đến với đồng bào vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nhiều huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa, Ủy ban nhân dân các huyện đã chủ động mời cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý về các xã vùng sâu để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, góp sức cùng địa phương tuyên truyền, vận động người dân “sống và làm việc theo pháp luật”.

Hiện nay, nhu cầu trợ giúp pháp lý của đồng bào vùng sâu, vùng xa rất cao nhưng đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý không chỉ thiếu về số lượng mà còn hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Sở Tư pháp đã xây dựng được  34 Câu lạc bộ pháp luật với trên 1.700 lượt hội viên tham gia, Câu lạc bộ pháp luật định kỳ mỗi tháng sinh hoạt một lần và được lồng ghép với nội dung sinh hoạt của các Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...được đồng đảo người dân nhiệt tình tham gia./.