UBND tỉnh Nghệ An: Tổ chức Hội nghị tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh

15/01/2013
Hôm qua - 14/01, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) trên địa bàn tỉnh.

Tới dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Thái Văn Hằng, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp và 130 đại biểu đại diện Lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; đại diện Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Pháp luật Việt Nam thường trú tại Nghệ An;  Đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã; Đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đánh giá thực tiễn 11 năm thi hành BLHS trên địa bàn tỉnh, theo đó, để triển khai thi hành BLHS, các Nghị quyết và Chỉ thị của TW, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLHS trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời, nhằm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn và phổ biến rộng rãi BLHS trong cán bộ và nhân dân. Các ngành Tư pháp, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, UBND cấp huyện đã chủ động tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu về BLHS cho các đội ngũ cán bộ công chức của ngành và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện để quán triệt một cách toàn diện về chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá trong BLHS và quán triệt những quy định mới về tội phạm và hình phạt của BLHS năm 1999; chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn mở nhiều chuyên trang, chuyên mục về ANTT, ATXH; phát hành các số Tập san Pháp luật và Đời sống chuyên đề thi hành BLHS; Tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu BLHS năm 1999 trên địa bàn tỉnh với 72.638 bài dự thi. Ngoài ra hằng năm, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hình thức sân khấu hóa cho đội ngũ Hòa giải viên cơ sở, Báo cáo viên pháp luật, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, thành viên Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… qua đó lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của BLHS 1999. Nhiều mô hình câu lạc bộ như: “Câu lạc bộ Thời sự - Pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, đội “Kỹ năng sống” Câu lạc bộ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, “CLB hoàn lương”, “Tổ giúp đỡ người lầm lỗi”… với các hình thức sinh hoạt phong phú và đã đi vào hoạt động có hiệu quả rõ rệt, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân góp phần phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhìn chung, công tác thi hành BLHS trên địa bàn tỉnh trong 11 năm qua đã được các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để hoạt động đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm thực hiện một cách nghiêm túc, quá trình áp dụng các quy định của BLHS trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện một cách khách quan, toàn diện. Về cơ bản, các hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, trên tinh thần không để lọt tội phạm, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của cả hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng cả về số vụ và số đối tượng vi phạm pháp luật. Phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các lực lượng chức năng. Từ năm 2000-2011, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 24.530 vụ phạm pháp hình sự (trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 2.230 vụ), làm chết 3.405 người, bị thương 5.440 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 137 tỷ đồng.

Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận làm rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng BLHS trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tại ngành, địa phương. Trong đó tập trung làm rõ các loại hành vi vi phạm xảy ra phổ biến thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hoặc ở địa phương nhưng mới chỉ xử lý vi phạm hành chính mà chưa xử lý hình sự được vì BLHS chưa quy định là tội phạm. Kiến nghị về việc bổ sung một số hành vi vi phạm nổi của ngành, của địa phương chưa được quy định trong BLHS; Kiến nghị về việc loại bỏ một số hành vi phạm tội đang được quy định trong BLHS nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy không cần xử lý hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính hoặc biện pháp khác là đủ; Kiến nghị những nội dung của BLHS cần tiếp tục được kế thừa, những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ gắn với các chương, điều, khoản cụ thể của BLHS. Cụ thể, kiến nghị về việc bổ sung một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong BLHS năm1999 như các hành vi thông thầu, mua bán thầu câu kết làm trái quy định về bảo hiểm nhằm trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc hành vi kinh doanh mỹ phẩm gây hậu quả làm chết người sử dụng của người bán, người sản xuất mỹ phẩm thì hành vi này hiện nay chưa được quy định trong BLHS, do đó cần bổ sung hành vi này thành một tội trong BLHS.

   Các cơ quan tố tụng cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết một số các vụ án cụ thể về: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các vụ án xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân;  vụ án xâm phạm sở hữu; các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các vụ án liên quan đến “Tín dụng đen “Cho vay nặng lãi”, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

 Đồng thời kiến nghị những nội dung của BLHS năm 1999 cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ đối với phần quy định chung như: về “độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự”; về phạt tiền đề nghị bổ sung chế tài xử lý khi đương sự chậm nộp tiền phạt; Cần bổ sung quy định cách tính thời gian thử thách của án treo, những điều kiện thử thách của án treo còn quy định ở các văn bản dưới luật, khó trích cứu, áp dụng. Mặt khác, việc quy định các điều kiện để áp dụng hình phạt” Cải tạo không giam giữ” và “Án treo” không rõ ràng, chặt chẽ dẫn đến thiếu sự thống nhất trong áp dụng. Đề nghị quy định rõ trong Bộ luật các khái niệm "tình tiết định tội", "tình tiết định khung", "tình tiết quyết định hình phạt"; sắp xếp khung hình phạt thống nhất, phù hợp với các quy định tại phần chung.

Đối với các tội phạm cụ thể, các ngành chức năng đề nghị sửa cho phù hợp và áp dụng thống nhất trong thực tiễn cụ thể: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu; Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Kiến nghị khắc phục vướng mắc khi giải quyết các vụ án về ma túy; Kiến nghị hoàn thiện pháp luật đối với các tội phạm về chức vụ; Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Xây dựng các điều luật độc lập tại một số tội ghép; Hạn chế hình phạt tử hình; Mở rộng áp dụng hình phạt tiền; Rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa về khung hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội phạm, tránh việc áp dụng tùy tiện, đặc biệt là tính minh bạch trong Bộ luật; khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Thái Văn Hằng ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp trong tham mưu tổ chức thi hành BLHS năm 1999 trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của cả hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi BLHS năm 1999 đáp ứng những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.  

Nguyễn Quế Anh - STP Nghệ An