Hướng tới kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam: Tư pháp địa phương nỗ lực thi đua “về đích sớm”

08/08/2012
Chuẩn bị 67 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt nam (28/8/1945- 28/8/2012), những ngày này ngành Tư pháp địa phương đang tổ chức các đợt thi đua cao điểm với phương châm “về đích sớm”. Trong đó, “điểm nhấn” quan trọng là việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Đảm bảo quyền lợi cho dân bằng giải quyết án tồn đọng

Mặc dù công tác Thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, đến nay lượng án tồn đọng của cả nước nói chung, từng địa phương nói riêng vẫn là con số gây nhiều bức xúc trong dư luận. Giảm án tồn đọng không chỉ là giảm gánh nặng cho cơ quan THADS mà quan trọng hơn, nó góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân vì một án đã tuyên chỉ có ý nghĩa khi được thi hành trên thực tế.

Trước tình hình kinh tế hết sức khó khăn trong năm nay, nhưng với quyết tâm phải đạt chỉ tiêu ngành giao phó, THADS TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó có biệt phái cả chấp hành viên và thư ký THA từ nơi ít án đến nơi án nhiều. Sau thời gian thực hiện đợt phát động cao điểm, kết quả THA tại các đơn vị được biệt phái trong ba tháng đã gần bằng kết quả sáu tháng trước đó. Từ năm 2007 đến nay, TP đã giảm được 21.742 việc chuyển sang kỳ sau (từ 53.574 việc năm 2007 xuống còn 31.832 việc năm 2012), tỷ lệ giảm là 40,58%.

Cũng với tinh thần “thi đua về đích sớm”, năm 2012, sau khi kết thúc đợt 1 cao điểm giải quyết án, ngành THADS Hưng Yên đã khẩn trương phát động đợt cao điểm lần thứ hai bắt đầu từ 1/8 đến hết tháng 9/2012. Theo đó, các cơ quan THADS trong tỉnh tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án có giá trị lớn, kéo dài nhiều năm; Thực hiện phân loại án chính xác 100%, trong đó án có điều kiện thi hành đạt 70% so với tổng lượng án đã thụ lý; thi hành xong 90% về việc, 80% về tiền trên số việc, tiền có điều kiện thi hành.

Hết tháng 9 là thời điểm “khóa sổ” để chuẩn bị báo cáo công tác năm của THA trước Quốc hội, vì thế đây là thời điểm THA đang chạy “nước rút” để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Tây Ninh, Yên Bái, Sơn La, Ninh Thuận…và rất nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức các đợt cao điểm về THA. Ngoài việc giải quyết nhanh, đúng pháp luật lượng án mới thụ lý, các đơn vị còn rất chú trọng đến việc rà soát, thi hành dứt điểm những bản án tồn đọng lâu năm, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu kiện của người dân. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào thi đua đã tạo ra không khí sôi nổi trong toàn ngành.

Tư pháp nhiều sáng tạo trong hoạt động chuyên môn

Thấm nhuần tinh thần “tư pháp gần dân, chủ động, sáng tạo” từ đầu năm đến nay, ngành Tư pháp địa phương đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chuyên môn. Coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt cho chính những cán bộ cơ sở, mới đây Thừa Thiên Huế đã tổ chức vòng chung kết Hội thi cấp tỉnh “Chủ tịch xã với pháp luật”. Hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức của người đứng đầu chính quyền cấp xã. Qua cuộc thi, lãnh đạo chính quyền cấp trên thấy được năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ địa phương, từ đó có kế hoạch đào tạo, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức để xử lý công việc được tốt hơn.

Cũng quan tâm đến cán bộ tư pháp cấp xã phường, tháng 7 vừa qua, ngành Tư pháp Hà Nội đã tổ chức khóa bồi dưỡng dài ngày cho hơn 500 cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, phường. Khóa học này trang bị cho học viên những kiến thức cần thiết nhất phục vụ cho các hoạt động chuyên môn cũng như những kỹ năng, cách giải quyết tình huống tại cơ sở. Đây là lần thứ 2 Hà Nội tổ chức một khóa bồi dưỡng trên diện rộng cho đội ngũ này kể từ khi thủ đô mở rộng địa giới hành chính (đợt 1 thực hiện năm 2011 cho các cán bộ tư pháp xã các huyện ngoại thành).

Ngoài nâng cao trình độ cán bộ cơ sở, ngành Tư pháp cũng quan tâm đến việc phát triển các mô hình bổ trợ tư pháp để phục vụ dân tốt hơn. Tư pháp các tỉnh Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Nam… đã lập thêm nhiều Văn phòng công chứng, nhất là tại các địa bàn xa xôi để người dân đỡ mất công đi lại. Các Văn phòng luật sư, Công ty đấu giá tài sản… cũng tiếp tục được thành lập. Lĩnh vực trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được tăng cường hơn cho những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận pháp luật…

Hướng về cơ sở, ngành tư pháp mỗi địa phương đang có những sáng tạo, chủ động của riêng mình. Không chỉ dừng lại ở một đợt thi đua ngắn ngày, mỗi việc làm thiết thực của tư pháp ngày càng khẳng định vị thế trong đời sống.

Thu Hằng