Tuyên Quang: Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004

27/04/2012
Ngày 26/4/2012, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ban Đảng Tỉnh ủy, các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Thường trực HĐND, UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; công chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Theo Báo cáo, trong 7 năm qua (2005-2011), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, HĐND, UBND các cấp đã quan tâm triển khai thi hành có hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 (sau đây gọi tắt là Luật Ban hành năm 2004) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã ban hành 7.448 văn bản QPPL, gồm 3.984 Nghị quyết của HĐND, 3323 Quyết định và 141 Chỉ thị của UBND; trong đó cấp tỉnh ban hành 490 văn bản, cấp huyện ban hành 884 văn bản và cấp xã ban hành 3.613 văn bản. Kết quả nổi bật trong thi hành Luật Ban hành năm 2004 là đã nâng cao nhận thức của Lãnh đạo, cán bộ, công chức các ngành, các cấp về công tác ban hành văn bản QPPL; việc thực hiện quy trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND ở từng cấp đã từng bước đi vào nền nếp; trình độ và kỹ năng soạn thảo văn bản QPPL của đội ngũ cán bộ, công chức đã được nâng lên; việc ban hành văn bản cá biệt có chứa đựng QPPL được hạn chế; chất lượng dự thảo văn bản QPPL ngày càng nâng cao; hầu hết các văn bản QPPL sau khi ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; văn bản QPPL được ban hành ở đều khắp các lĩnh vực và ở các cấp chính quyền từ tỉnh đến cấp xã; nhiều văn bản có tính khả thi cao nên sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, được người dân tự nguyện chấp hành; công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, không phù hợp để kiến nghị với cơ quan ban hành xử lý theo quy định của pháp luật. Những chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đề ra, triển khai bước đầu có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010- 2015).

Mặc dù vậy, việc thi hành Luật Ban hành năm 2004 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập, như: việc triển khai thi hành Luật Ban hành năm 2004 ở cấp xã có nơi còn chậm, thậm chí lúng túng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong các hoạt động soạn thảo, tham gia thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản chưa rõ nét, chưa chặt chẽ; chất lượng một số dự thảo văn bản thấp; việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của các ngành, các cấp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản chưa thực sự hiệu quả, có khi còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến tham gia dự thảo văn bản chưa cao; chất lượng thẩm định dự thảo văn bản của một số Phòng Tư pháp còn thấp; hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL mới chỉ tập trung ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thực hiện chưa thường xuyên, kết quả chưa rõ nét; số lượng văn bản của cấp huyện, cấp xã có nội dung không phù hợp với pháp luật còn khá cao; việc xử lý văn bản trái pháp luật còn chậm, chưa kiên quyết, chưa dứt điểm.

Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số quy định cuả pháp luật về ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND chưa phù hợp với tính chất, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND ở từng cấp, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa có QPPL điều chỉnh; nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức chưa đầy đủ; số lượng công chức có khả năng tham mưu hoạch định chính sách còn khiêm tốn; trình độ nghiệp vụ, kỹ năng soạn thảo văn bản QPPL của một số công chức chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc ở cấp xã còn khó khăn, thiếu thốn....

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm chỉ đạo, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản năm 2004 và văn bản hướng dẫn thi hành.

Hai là, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL phải thực hiện đúng quy trình soạn thảo, lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành văn bản QPPL. Trong đó phải quan tâm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Đối với dự thảo văn bản QPPL của UBND tỉnh có quy định phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính trước khi lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp. Cơ quan lấy ý kiến phải định hướng nội dung lấy ý kiến nhằm đảm bảo về chất lượng ý kiến tham gia, góp phần đảm bảo tính khả thi của văn bản sau khi được ban hành.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương được hỏi ý kiến cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ, có chất lượng đối với dự thảo văn bản, nhất là những vấn đề liên quan đến phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình; đối với những vấn đề liên quan đến đông đảo người dân thì cơ quan soạn thảo cần phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân.

Ba là, phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản; cơ quan thẩm định văn bản kiên quyết không thẩm định đối với những dự thảo văn bản chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng văn bản, hồ sơ gửi thẩm định văn bản không đầy đủ, không đúng quy định.

Bốn là, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục nâng cấp Công báo điện tử tỉnh Tuyên Quang, đồng thời kịp thời cập nhật các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện ban hành theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL và pháp luật về công báo, đảm bảo việc tra cứu dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời.

Năm là, Sở Thông tin Truyền thông xây dựng chuyên trang “Lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các ý kiến góp ý của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo văn bản. Các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Sáu là, Sở Tư pháp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác văn bản trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, bổ sung nội dung tập huấn nghiệp vụ soạn thảo văn bản QPPL tại các lớp bồi dưỡng chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức của tỉnh; hàng năm có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ soạn thảo, ban hành văn bản cho công chức các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; tiếp tục kiện toàn, bố trí công chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản và theo dõi thi hành văn bản QPPL; thường xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế, bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra văn bản QPPL do cấp huyện ban hành, xử lý những văn bản có nội dung trái pháp luật quy định.

Bảy là, Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các Ban của HĐND, cơ quan chuyên môn, Thường trực HĐND, UBND cấp xã trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành năm 2004 và văn bản hướng dẫn thi hành; nghiêm cấm việc ban hành văn bản cá biệt có chứa QPPL trái pháp luật; thường xuyên rà soát, tự kiểm tra văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ những văn bản có nội dung không phù hợp; thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản QPPL đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định. Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp - Sở Nội vụ trong việc tập huấn nghiệp vụ soạn thảo, ban hành văn bản QPPL và công tác văn thư, lưu trữ cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã.

Tám là, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn bản QPPL; giám sát chính quyền các cấp trong việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL.

Chín là, đề nghị các cơ quan Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, các chuyên trang, chuyên mục, các bài viết đưa tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của tỉnh mới ban hành.

Nguyễn Thị Thược