Cà Mau: Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế năm 2012 trên địa bàn tỉnh

15/02/2012
Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, vừa qua, theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, ngày 13/02/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký Quyết định số 188/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế năm 2012 trên địa bàn tỉnh. Theo đó:

Mục đích của Kế hoạch: Tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng theo quy định, từng bước đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế trong việc giúp thủ trưởng các cơ quan, tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thực thi pháp luật theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Về yêu cầu: Xây dựng hệ thống pháp chế ổn định về tổ chức, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; có phẩm chất, đạo đức tốt; năng động, yêu nghề và hoạt động theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Xây dựng chức danh công chức, viên chức pháp chế; quy định thống nhất chức năng, nhiệm vụ; quy hoạch, đào tạo và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác pháp chế; mở rộng và khuyến khích tổ chức đội ngũ pháp chế đối với tất cả các cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện, không ngừng phát huy hiệu quả trong lĩnh vực, giúp thủ trưởng xây dựng và thực thi pháp luật theo ngành, lĩnh vực.

Ba nhiệm vụ tập trung trong năm 2012:

Thứ nhất, Kiện toàn về tổ chức: Triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đối tượng là Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc doanh nghiệp nhà nước và cán bộ công chức làm công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh. Quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án thành lập mới, củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế theo các quy định tại Điều 9, 10 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (thay thế Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 27/02/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2010 – 2015”). Rà soát, thống kê thực trạng về tổ chức và năng lực đội ngũ pháp chế trên địa bàn tỉnh; điều động, sắp xếp biên chế; tiến hành thành lập mới đối với các cơ quan chưa thành lập Phòng pháp chế; củng cố, kiện toàn các Phòng pháp chế đã thành lập nhưng chưa đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách theo quy định.  

Thứ hai, Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động: Quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế trong tỉnh theo hướng ổn định và hiệu quả, tránh những biến động lớn về biên chế hoặc thiếu nguồn khi cần thiết. Chọn và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác  pháp chế chuyên sâu do Bộ Tư pháp tổ chức. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành có liên quan tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế tại tỉnh cho tất cả cán bộ làm công tác pháp chế còn lại. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của công tác pháp chế trong năm, trong đó chú trọng việc xây dựng và kiện toàn về tổ chức, biên chế; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế theo quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội thảo… nhằm trao đổi kinh nghiệm và làm rõ những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau, đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động. Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của công tác pháp chế; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những nhiệm vụ mới được phân giao cho tổ chức pháp chế. Tổ chức 01 cuộc kiểm tra liên ngành về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, Xây dựng và hoàn thiện thể chế: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và khối lượng công việc được giao, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của tổ chức pháp chế đơn vị mình. Riêng những đơn vị và doanh nghiệp nhà nước bố trí cán bộ pháp chế kiêm nhiệm tiếp tục ban hành Quy chế hoạt động của tổ chức pháp chế theo Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 650/QĐ-UBND ngày 20/4/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh). Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời bổ sung biên chế, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác pháp chế cho phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn.

Về chế độ thông tin, báo cáo: Giao Sở Tư pháp theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định. Các tổ chức pháp chế thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ 6 tháng và một năm gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp./-

Thùy Trang