Thái Bình: Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

01/11/2011
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, từ năm 2005 đến tháng 9/2011, HĐND và UBND các cấp ở Thái Bình đã xây dựng, ban hành 7.882 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: cấp tỉnh 362 văn bản, cấp huyện 683 văn bản, cấp xã 6.837 văn bản.

Nhìn chung, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Đối với cấp tỉnh, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đã chủ động xây dựng dự thảo văn bản và thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan vào dự thảo, các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đã được Sở Tư pháp thẩm định, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao... Việc xem xét, thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đăng công báo, gửi văn bản ban hành tới cơ quan nhà nước cấp trên, cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra về cơ bản thực hiện theo đúng quy định.

Ở cấp huyện, căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, tình hình thực tiễn ở địa phương, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức soạn thảo trình Uỷ ban nhân dân ban hành hoặc để Uỷ ban nhân dân xem xét, trình HĐND ban hành theo thẩm quyền. Việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan vào dự thảo đã được một số cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện theo quy định. Hầu hết các huyện, thành phố đã giao Phòng Tư pháp thực hiện thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân. Việc xem xét, thông qua, gửi văn bản ban hành cơ bản thực hiện theo đúng quy định.

Đối với cấp xã: Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cơ bản đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, có nội dung phù hợp với các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số sở, ngành chưa chủ động đề xuất danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, khi phát sinh yêu cầu không đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; Việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo còn chưa đảm bảo thời gian theo quy định, đối tượng lấy ý kiến hẹp, chất lượng một số dự thảo văn bản chưa đảm bảo, hồ sơ đề nghị thẩm định chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Thời gian dành cho việc nghiên cứu thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn ít do cơ quan soạn thảo gửi văn bản đến chậm, những văn bản có nội dung phức tạp, chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu kỹ nên ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản thẩm định. Một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện chưa gửi đến Phòng Tư pháp đề thẩm định... nhiều văn bản sau khi ban hành chưa được niêm yết công khai, chưa gửi đầy đủ cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để kiểm tra theo quy định, công tác lưu trữ văn bản sau khi ban hành của một số huyện còn hạn chế. Hầu hết các xã, phường, thị trấn khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa giao trách nhiệm cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phát biểu ý kiến về các vấn đề như sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh...; Việc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân ở các thôn, làng, tổ dân phố vào dự thảo văn bản và việc tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo văn bản chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, mang tính hình thức.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên và hệ thống hoá theo định kỳ. Ngoài ra, theo yêu cầu của các Bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh giao các Sở, ngành chủ trì rà soát các văn bản theo từng lĩnh vực... Đã tiến hành rà soát tổng số 7.334 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND (trong đó cấp tỉnh 332 văn bản, cấp huyện 662 văn bản, cấp xã 6.340 văn bản), phát hiện 2.177 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành theo thời gian hoặc có văn bản khác thay thế; các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều được kiến nghị, xử lý theo quy định. Từ năm 2005 đến nay, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh rà soát và in 4 tập (trong tổng số 10 tập tính từ năm 2000) Hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để phát cho tủ sách pháp luật các Sở, ban, ngành và UBND các cấp trong tỉnh.

Phạm Thu