Tư pháp Lào Cai: 20 năm xây dựng và trưởng thành

30/09/2011
Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc được chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn từ tháng 10/1991. Cùng với sự ra đời của tổ chức bộ máy các cơ quan tỉnh Lào Cai, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/10/1991.

Thời kỳ đầu mới thành lập với bộ máy của Sở gồm 11 cán bộ, trong đó 01 Phó giám đốc quyền Giám đốc Sở, 01 Trưởng phòng tổ chức, 01 Chánh Văn phòng, 05 cán bộ nghiệp vụ và 03 cán bộ hành chính. Trình độ chuyên môn có 04 Đại học Luật, 01 Cao đẳng Toà án, 01 Trung cấp luật, còn lại chưa qua đào tạo. Hệ thống cơ quan bổ trợ tư pháp như Luật sư, Công chứng, Giám định, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn do lịch sử để lại còn nhiều bất cập, thậm chí có nơi còn chưa có; Biên chế của hệ thống cơ quan Toà án 10 huyện, thị có 63 người (Trong đó bao gồm cả cán bộ làm công tác thi hành án dân sự) với 07 cán bộ trình độ Đại học luật, 06 cán bộ Cao đẳng và Luân huấn Luật, 30 cán bộ Trung cấp luật và 20 cán bộ chưa qua đào tạo; cơ sở vật chất như trụ sở làm việc, trang thiết bị làm việc phục vụ cho công tác rất tạm bợ, đơn sơ, có cơ quan Toà án không có Hội trường xét xử…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành, 20 năm qua Tư pháp Lào Cai từng bước lớn mạnh và trưởng thành cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất cũng như về công tác chuyên môn nghiệp vụ. Hệ thống cơ quan tư pháp từ tỉnh, huyện, đến các xã, phường, thị trấn được củng cố, kiện toàn. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức thuộc Sở Tư pháp là 72 người, trong đó: Văn phòng Sở là 31 người; Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh TGPL là 27 người; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản là 08 người; Phòng công chứng số 1 là 06 người. Trình độ chuyên môn: 01 Cao học luật; 48 cán bộ Đại học Luật; 05 cán bộ Đại học, cao đẳng ngành khác; 13 cán bộ Trung cấp; 04 cán bộ là văn thư và lái xe. 9/9 huyện, thành phố có Phòng Tư pháp, mỗi phòng có từ 5 đến 6 cán bộ có trình độ từ Trung cấp Luật trở lên. Trong tổng số 164 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có 181 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách.

Từ 01/7/1993, Sở Tư pháp tiếp nhận tổ chức và hoạt động Thi hành án dân sự địa phương từ cơ quan Toà án chuyển giao, gồm 14 cán bộ (cả cấp tỉnh và cấp huyện). Sau 16 năm tổ chức và hoạt động của Phòng Thi hành án dân sự thuộc Sở Tư pháp, các Đội Thi hành án dân sự thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện, thành phố luôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Đến ngày 01/7/2009, thực hiện Luật Thi hành án dân sự, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tại địa phương tách ra khỏi cơ quan Tư pháp, được thành lập là đầu mối độc lập, gồm 98 cán bộ, công chức, trong đó 74 % có trình độ Đại học luật; 35% là Chấp hành viên.

Về công tác quản lý Toà án nhân dân cấp huyện từ khi tái thành lập tỉnh (tháng 10/1991) đến thời điểm bàn giao sang Toà án nhân dân tỉnh quản lý (năm 2002): 9/9 Toà án nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh có 95 biên chế gồm 46 cán bộ có trình độ Đại học luật và tương đương (chiếm 48,42%), 31 cán bộ đang học Đại học Luật (chiếm 31,63%), 12 cán bộ có trình độ Trung cấp và 6 cán bộ làm công tác Văn thư lưu trữ (chiếm 19,95%).  

Xác định việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp Lào Cai, đặc biệt là công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, Ban chấp hành Đảng uỷ, Lãnh đạo Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo, phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong ngành được quan tâm đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trình UBND tỉnh mở được 03 lớp Đại học Luật tại chức, 03 lớp Trung cấp Luật đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thường xuyên phối hợp với Sở nội vụ tỉnh và UBND các huyện, thành phố mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn để tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này để có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cử nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học các lớp Cao cấp chính trị tại tỉnh và Đại học chính trị tại Hà Nội, các lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh Công chứng viên, Trợ giúp viên, Đấu giá viên, các lớp quản lý Nhà nước chương trình Chuyên viên chính và chương trình Chuyên viên.

Cùng với tiến trình phát triển đi lên của đất nước trong thời kỳ đổi mới, chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp được mở rộng, trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn. Trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Tư pháp Lào Cai luôn bám sát sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, tình hình chính trị ở địa phương với phương châm tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm có tính chất bức xúc nhất hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở.

Công tác tham mưu về xây dựng và quản lý văn bản quy phạm pháp luật:  Tham gia thực hiện thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; tổ chức tốt việc lấy ý kiến các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời kiến nghị HĐND, UBND xử lý bãi bỏ, thay thế các Quyết định không còn phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành. Đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch và hoàn thiện việc triển khai việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Lào Cai trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn được triển khai một các đồng bộ, đa dạng với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, (báo, đài phát thanh - truyền hình), Bản tin tư pháp, Hỏi đáp pháp luật, Thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức hội nghị báo cáo viên pháp luật, nói chuyện chuyên đề về pháp luật qua các buổi sinh hoạt Đoàn, Đảng, các tổ chức xã hội; giáo dục pháp luật trong trường học; sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp với các chương trình lồng ghép đã đem lại hiệu quả thiết thực; có xác định trọng tâm, trọng điểm, nội dung, hình thức phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyên truyền là đồng bào các dân tộc thiểu số; Từng bước nâng cao dân trí, quản lý, xây dựng ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác hành chính tư pháp và hoạt động bổ trợ tư pháp được triển khai theo hướng chỉ đạo chung của Đảng và nhà nước. Thực hiện kịp thời, đúng pháp luật vào việc đăng ký và quản lý hộ tịch đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Triển khai các nhiệm vụ về quản lý lí lịch tư pháp, thống kê tư pháp. Xây dựng chiến lược, Đề án phát triển các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, giám định, bán đấu giá tài sản … đảm bảo mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính theo xu hướng xã hội hoá. Thực hiện kịp thời việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, công chứng viên, giám định viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên, đảm bảo cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề thuộc phạm vi pháp lý của Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội. Hoạt động Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai được thành lập năm 1998 đến nay có 09 Chi nhánh TGPL đặt tại 09 huyện, thành phố thực hiện tốt việc nhiệm vụ Đảng và nhà nước giao là trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, là một trong các đơn vị đứng đầu trong hệ thống các Trung tâm trợ giúp pháp lý toàn quốc.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Tư pháp tỉnh Lào Cai trong những năm qua với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, xác định được mô hình hoạt động phù hợp với đặc thù của một tỉnh biên giới, đơn vị đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Căn cứ thành tích đạt được qua các năm, Tư pháp Lào Cao đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều đơn vị, tập thể, các nhân trong ngành được tặng Bằng khen, giấy khen. Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, trong những năm tới Tư pháp Lào Cai quyết tâm vững bước tiến lên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào việc xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phồn vinh và giàu đẹp.

Hoàng Kim Thái – Giám đốc  Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai