Ninh Bình: Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh

09/09/2011
Để triển khai thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và Chỉ thị số 1958/CT-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ “về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả giám định tư pháp”, ngày 29/8/2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến năm 2015.

Trong thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu giám định ở lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự… hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa ổn định, cán bộ trực tiếp làm việc trong lĩnh vực giám định tư pháp không yên tâm vì mức thu nhập và thù lao chi trả cho việc giám định thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn trong đó có tổ chức giám định pháp y, đây là lĩnh vực có số lượng trưng cầu giám định nhiều nhất của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Với môi trường làm việc đặc biệt, trách nhiệm nặng nề nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo người làm công tác giám định chuyên trách. Công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ quan tố tụng, của tổ chức và công dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập, tham mưu giúp UBND tỉnh thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhưng thiếu cơ chế phối hợp, trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan quản lý; nhận thức về các ngành, các cấp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp còn hạn chế

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác giám định tư pháp trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu xã hội trong tiến trình cải cách tư pháp, triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Giam định tư pháp năm 2004, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ về giám định tư pháp; Quyết định số 258/QĐ-TTg và Chỉ thị số 1958/CT-TTg về hoạt động giám định tư pháp, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 588/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8  năm 2011 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “ Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nội dung kế hoạch tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Thống kê, rà soát, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Đánh giá nhu cầu giám định ở các lĩnh vực văn hóa, tài chính, kế toán, xây dựng, môi trường, và các lĩnh vực khác. Xây dựng hoàn thiện các tổ chức giám định nhằm đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp cho hoạt động tố tụng và xã hội; Xây dựng và phát triển đội ngũ người giám định tư pháp đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có kiến thức pháp lý cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định, phục vụ đắc lực hoạt động tố tụng trước yêu cầu ngày càng cao của tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động giám định tư pháp giữa Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan

Hoạt động giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, cơ chế quản lý thiếu tính đồng bộ nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án “ Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh là cần thiết, phù hợp. Thông qua kế hoạch, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp sẽ được chặt chẽ, đồng bộ, khắc phục được tình trạng yếu kém trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được nâng lên, giải quyết được nhu cầu giám định tư pháp cho tổ chức và công dân. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ quan có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, phối hợp tổ chức, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thực hiện Đề án “ Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh giải quyết được những nhu cầu cấp thiết hiện nay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp. Kế hoạch này được tổ chức triển khai thực hiện từng bước, với những nội dung, chương trình hành động được cụ thể hóa ở từng giai đoạn nhất định, do đó cần có những hình thức tuyên truyền như: thông qua hội nghị, đăng tin, bài về các hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh lên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các trưng cầu giám định tư pháp của cơ quan, tổ chức và công dân được các tổ chức giám định tư pháp đáp ứng nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật sẽ góp phần vào sự ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Đoàn Thị Ngọc Hải