Cà Mau: Tọa đàm về công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản QPPL trong lĩnh vực quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

01/09/2011
Sáng 31/8, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Viện Khoa học pháp lý và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức buổi Tọa đàm về công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực quy hoạch (QH), chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương.

Đến dự khai mạc và đồng chủ trì buổi Tọa đàm có TS. Võ Đình Toàn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; TS. Đồng Ngọc Ba - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL thuộc Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thanh Reo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau.

Trên cơ sở Quyết định số 163/QĐ-TTG ngày 11/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau đến năm 2020, đồng chí Nguyễn Thanh Reo, Giám đốc Sở Tư pháp đã phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm và đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận ba vấn đề:

Một là: Thực tiễn xây dựng QH phát triển KT-XH của tỉnh Cà Mau và các văn bản có liên quan đến các chiến lược, QH phát triển ngành, lĩnh vực QH phát triển KT-XH của tỉnh, của các huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Thứ hai: Xác định vai trò, đóng góp của cơ quan tư pháp trong quá trình xây dựng QH phát triển KT-XH, QH phát triển ngành, lĩnh vực; chất lượng góp ý, thầm định về khía cạnh xác định yêu cầu, định hướng phát triển bền vững của ngành Tư pháp đối với các QH phát triển và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Thứ ba: Xác định vai trò, đóng góp của cơ quan: tài nguyên và môi trường, y tế, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương… trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển KT-XH, QH phát triển ngành, lĩnh vực.

Lần lượt các đại biểu đại diện 6 Sở, ngành cấp tỉnh trình bày 10 ý kiến tham luận mình. Các đại biểu đều khẳng định, công tác QH của tỉnh Cà Mau đã được quan tâm, chất lượng các QH từng bước được nâng lên, nội dung QH từng bước tiếp cận và phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Công tác thẩm định, góp ý đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL thực hiện định kỳ, hàng năm, 10 năm và có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, công tác QH ở tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng VBQPPL còn nhiều hạn chế, thậm chí ở một số cơ quan được giao phó cho cán bộ làm công tác pháp chế hoặc cán bộ quản lý chuyên ngành. Trong khi đó đội ngũ cán bộ này có nơi không có trình độ cử nhân luật, thiếu ổn định và phải kiêm nhiệm. Mặt khác, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, nên một số cán bộ làm công tác tư pháp có năng lực, kinh nghiệm chuyển ngành…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thực hiện nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này, nhất là tăng cường trách nhiệm, thực hiện tốt cơ chế phối hợp, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng năng lực, trình độ, nhất là cán bộ tư pháp…

Phát biểu kết luận, bế mạc, TS. Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp đã tổng kết, nhận xét các ý kiến tham luận, cảm ơn các đại biểu đã góp nhiều ý kiến hay, nêu ra những điểm vướng mắc, khó khăn của địa phương giúp cho Ngành Tư pháp sớm đề ra những giải pháp khắc phục, nhằm tăng cường nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL.

Thùy Trang