Ngành Tư pháp Thái Bình đoàn kết đổi mới và phát triển

25/08/2011
Trong không khí cả nước vui mừng kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc Khánh 2/9, Tư pháp Thái Bình cũng tích cực triển khai các lĩnh vực công tác kỷ niệm ngày thành lập Ngành (28/8/1945 - 28/8/2011). Ngành Tư pháp Thái Bình trong nhiều năm qua đã trưởng thành nhanh chóng và đạt được những thành tựu nổi bật góp phần cùng các cấp, các ngành hoàn thành thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thể hiện trên các lĩnh vực công tác:

Công tác văn bản, theo dõi thi hành pháp luật: Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Ngành Tư pháp tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho HĐND,UBND tỉnh trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Soạn thảo kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản pháp quy hàng năm trình UBND tỉnh ban hành; thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trong tỉnh soạn thảo, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó còn hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát văn bản của UBND các huyện, thành phố. Tổ chức lấy ý kiến xây dựng nhiều văn bản pháp quy của Trung ương như Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh…

Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát, in ấn, phát hành 10 tập hệ thống hóa văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh; phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã biên soạn, in ấn tập hệ thống hóa văn bản pháp luật về xây dựng nông thôn mới cấp phát cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và tủ sách pháp luật của 286, xã, phường, thị trấn làm tài liệu nghiên cứu và áp dụng pháp luật, đây thực sự là những tài liệu cần thiết cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác kiểm tra cũng được duy trì nề nếp, đã tiến hành kiểm tra thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật do HĐND,UBND cấp huyện ban hành. Ngoài ra còn kiểm tra hàng nghìn văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính khác góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản, bảo đảm đúng quy định về nội dung, thẩm quyền và hình thức văn bản.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới của ngành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2011 với mục đích nhằm đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật, kịp thời đôn đốc và hướng dẫn việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật là các lĩnh vực đã được lựa chọn là Kinh doanh vàng miếng; khắc phục đô la hóa nền kinh tế thị trường và bán đấu giá tài sản

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh  ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ vể tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Sở Tư pháp ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tham mưu tích cực cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp kiện toàn tổ chức, củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ pháp chế các sở, ngành, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên...

 Nội dung pháp luật được tuyên truyền đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, tương đối phù hợp với từng đối tượng; bên cạnh các hình thức truyền thống, đã áp dụng các hình thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả. Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng duy trì có hiệu quả chuyên mục"Pháp luật và đời sống" trên Báo Thái Bình. "Giáo dục pháp luật", "Giới thiệu văn bản pháp luật mới" trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh.Tăng cường việc giới thiệu, giải thích pháp luật trên sóng truyền hình và xây dựng các phóng sự về việc triển khai thực hiện pháp luật và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp khai trương, đi vào hoạt động từ tháng 6/2010 đã thu hút được trên 1,7 triệu lượt người truy cập. Tuyên truyền thông qua khai thác sử dụng tủ sách pháp luật cũng phát huy hiệu quả. Từ năm 1998 đến nay đã cấp cho 100% xã, phường Tủ sách pháp luật. Năm 2010 thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, tiếp tục cấp bổ sung cho mỗi tủ sách pháp luật  ở cấp xã 29 đầu sách trị giá 2 triệu đồng, trang bị thêm 115 tủ mới cho các xã.Công tác hoà giải cơ sở tiếp tục được củng cố về tổ chức và duy trì hoạt động. Chính quyền cơ sở quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải, tạo điều kiện thuận lợi cho hoà giải viên hoàn thành nhiệm vụ. Toàn tỉnh có 2.129 tổ hoà giải với 15.860 hoà giải viên. Tỷ lệ hoà giải thành đạt trên 85% vụ việc góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm và bảo đảm trật tự an toàn trong các khu dân cư.

Công tác hành chính Tư pháp và bổ trợ Tư pháp: Sở Tư pháp luôn chủ động, tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước ổn định về mặt tổ chức, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã. Năm 2010 đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí thêm 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch ở cơ sở. Việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cấp phiếu lý lịch Tư pháp, quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường nhà nước luôn được quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các ngành đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Công tác Luật sư, giám định Tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn tổ chức, mở rộng phạm vi hoạt động, đến nay toàn đoàn có 01 Công ty luật, 10 Văn phòng Luật sư, với 65 luật sư tham gia. Các luật sư thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, tích cực tham gia trong quá trình tố tụng góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý xã hội chủ nghĩa. Hàng năm các tổ chức giám định đưa ra hàng trăm quyết định, kết luận có tính chất khoa học góp phần không nhỏ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng được kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Công tác Công chứng có nhiều đổi mới, hiện nay trên địa bàn tỉnh có Phòng công chứng số 01 và 04 Văn phòng công chứng. Thực hiện Luật Công chứng và nghị định 79/NĐ-CP của Chính phủ việc chứng thực được chuyển giao cho cấp cấp huyện và cấp xã, hoạt động của Phòng công chứng chuyển đổi sang mô hình sự nghiệp có thu nên có nhiều năng động, đổi mới trong quan hệ, phục vụ khách hàng. Mỗi năm Phòng Công chứng số 01 thực hiện hàng nghìn việc công chứng các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng. Việc chứng thực ở cấp huyện, cấp xã đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

Công tác bán đấu giá tài sản đã dần đi vào nề nếp: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập năm 2005, đến nay đã có thêm  02 doanh nghiệp bán đấu giá được thành lập. Hoạt động bán đấu giá tài sản từng bước đi vào nề nếp, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công, hạn chế các biểu hiện tiêu cực, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ khi thành lập đến nay số hợp đồng bán đấu giá tài sản ngày càng tăng. Đặc biệt ngày 04/3/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP giao thêm một số nhiệm vụ mới cho tổ chức bán đấu giá tài sản như việc đấu giá đối với tài sản nhà nước, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất, cho thuế đất có thu tiền sử dụng đất thì số lượng công việc  ngày càng nhiều hơn.

Công tác trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý ngày càng được củng cố, kiện toàn về tổ chức. Hiện nay, Trung tâm có 13 cán bộ, viên chức, bố trí thành 4 phòng chuyên môn, 120 cộng tác viên, 12 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đối tượng chính sách. Hàng chục nghìn lượt đối tượng đã được tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ về pháp luật giải tỏa được nhiều vướng mắc, tăng cường, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình địa phương.

Công tác Tư pháp cấp huyện, xã cũng có bước phát triển và tiến bộ quan trọng theo hướng chuyên môn hóa cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp. Từ năm 1998 thực hiện Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và quyết định số 607/QĐ-UB ngày 26/11/1998 cấp xã được bố trí 01 cán bộ Tư pháp – Hộ tịch. Đến nay theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với xã có số dân từ 8000 người trở lên được bố trí thêm 01 chức danh Tư pháp. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai các mặt công tác tư pháp ở cơ sở ngày càng nhiều hơn.Từ đó việc chứng thực, đăng ký các vấn đề về hộ tịch, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hoạt động hòa giải, quản lý xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước… ngày càng có hiệu quả thiết thực hơn.

Nhìn lại chặng đường 66 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức đã và đang công tác trong ngành đều vinh dự, tự hào vì những thành tích mà ngành Tư pháp đạt được. Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sự nhiệt tình, tích cực, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên nhiều năm qua Tư pháp Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được tặng giấy khen, bằng khen do UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ Tư pháp tặng. Năm 2003 ngành Tư pháp Thái Bình được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua xuất sắc, năm 2008 được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng ba.

Tự hào với những thành tích đã đạt được, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, cán bộ, công chức ngành Tư pháp Thái Bình quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết, tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nhiệt tình trong công việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ vững ổn định xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Liễu Lập - Sở Tư pháp Thái Bình