Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hòa Bình: Những thành tích nổi bật trong công tác 9 tháng đầu năm 2011

18/08/2011
Bước vào những tháng cuối năm 2011, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Hòa Bình đã và đang tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt. Trong 9 tháng đầu năm 2011, dưới sự chỉ đạo của cấp trên và lãnh đạo Trung tâm, đơn vị đã có nhiều thành tích nổi bật, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành Tư pháp đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Về tổ chức bộ máy: Trung tâm hiện có 19 biên chế chính thức (100% cán bộ, viên chức của Trung tâm có trình độ Đại học Luật, Đại học Kinh tế) và 02 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/NĐ-CP. Theo phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2011, Trung tâm còn thiếu 06 biên chế. Thời gian tới Trung tâm sẽ đề nghị Hội đồng xét tuyển Sở Tư pháp tổ chức xét tuyển đủ chỉ tiêu biên chế đã được giao.

Hoạt động của các Chi nhánh: Trung tâm đã có 11/11 Chi nhánh TGPL được thành lập tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản, các Chi nhánh đều có 01 đồng chí phụ trách trưởng Chi nhánh (do trưởng phòng Tư pháp kiêm nhiệm) và 01 chuyên viên về làm việc. Bám sát Kế hoạch công tác TGPL của Trung tâm, các Chi nhánh cũng xây dựng kế hoạch chi tiết cho địa bàn mình hoạt động. Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu tài liệu, cập nhật văn bản mới để trực và tiếp dân tại trụ sở, khảo sát nhu cầu để tổ chức các đợt TGPL lưu động về tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thì các Chi nhánh còn theo dõi và đôn đốc các Câu lạc bộ TGPL sinh hoạt theo định kỳ và thẩm định hồ sơ sinh hoạt để gửi về Trung tâm.

Kết quả TGPL: Thụ lý và giải quyết 3.536 việc, kết hợp tuyên truyền pháp luật tới 10.114 lượt người tham dự. Trong đó, TGPL tại trụ sở Trung tâm và các Chi nhánh là 548 việc.

TGPL lưu động được coi là thế mạnh của một tỉnh miền núi như Hòa Bình, do đó Trung tâm luôn lấy hình thức trợ giúp này làm công tác trọng tâm để đẩy mạnh hoạt động khảo sát và tổ chức các đợt trợ giúp lưu động, tuyên truyền pháp luật cho bà con ở các thôn, xóm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả là 9 tháng đầu năm, Trung tâm phối hợp với các Chi nhánh TGPL tổ chức được 123 đợt lưu động tại 185 điểm (vượt so với chỉ tiêu năm 2011 là 43 đợt/35 điểm) và trợ giúp được 2.966 việc. Các vướng mắc pháp luật được bà con quan tâm chủ yếu là thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, tranh chấp đất đai, chính sách về bồi thường và hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... (1.407 việc chiếm 39,7%) pháp luật ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (1.185 việc chiếm 33,5%), pháp luật dân sự (287 việc chiếm 8,1%), Luật Hôn nhân & gia đình (260 việc chiếm 7,3%), lĩnh vực khác (219 việc chiếm 6,1%).... Những nơi Trung tâm đi qua đều nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của đông đảo nhân dân và chính quyền địa phương, chứng tỏ TGPL là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trung tâm TGPL và các Chi nhánh đã và đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy để người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số tìm đến khi gặp các vướng mắc liên quan đến pháp luật.

Ngoài hình thức TGPL tại trụ sở và TGPL lưu động, Trung tâm còn tích cực đẩy mạnh hoạt động tham gia tố tụng bằng cách tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để khi có bị can, bị cáo, đương sự... thuộc đối tượng được TGPL thì giới thiệu đến Trung tâm. Kết quả hết quý III/2011, Trung tâm đã cử Luật sư cộng tác viên và Trợ giúp viên đại diện, bào chữa 22 việc, chủ yếu là lĩnh vực Hình sự, Dân sự và Hôn nhân & gia đình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng khi có yêu cầu.

Về công tác phát triển mạng lưới cơ sở: Do nhu cầu TGPL của nhân dân ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia, phối hợp của nhiều nguồn lực trong xã hội. Ngoài hoạt động chuyên môn, Trung tâm cũng rất chú trọng đến công tác phát triển mạng lưới ở cơ sở. Hiện Trung tâm trong thời gian kiện toàn lại đội ngũ Cộng tác viên TGPL giai đoạn 2011- 2013, cụ thể đã trình Giám đốc Sở Tư pháp ký Quyết định công nhận, cấp thẻ Cộng tác viên giai đoạn I (96 cộng tác viên) và đang tiếp tục hoàn thiện danh sách trình Giám đốc Sở ký Quyết định giai đoạn II, đồng thời hướng dẫn các Chi nhánh ký hợp đồng cộng tác đối với các Cộng tác viên trên địa bàn mình phụ trách.

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 128 Câu lạc bộ TGPL, trong đó: 69 Câu lạc bộ các xã vùng 135; 37 Câu lạc bộ các xã cận nghèo; 20 Câu lạc bộ Dự án và 02 Câu lạc bộ của Quỹ TGPL Việt Nam. Hiện nay, nguồn từ Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL Việt Nam, giai đoạn 2005 - 2009” và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã kết thúc nhưng Trung tâm vẫn chỉ đạo các Chi nhánh theo dõi và đôn đốc các Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt theo định kỳ. Có thể nói Câu lạc bộ là các tổ chức sinh hoạt mang tính cộng đồng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu và được giải đáp các vướng mắc pháp luật. Hình thức sinh hoạt này ra đời đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho các thành viên, giúp họ có thể vừa sinh hoạt vừa giải trí trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên, một số Câu lạc bộ chưa sinh hoạt đều do khó khăn về kinh phí và thời gian (lí do Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ thường là lãnh đạo UBND, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên chưa có nhiều thời gian dành cho công tác TGPL).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng: Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL và tạo nguồn Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm đã Tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định cử các viên chức Trung tâm tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL khóa VI/2010, khóa VII/2011 và tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chương trình chuyên viên khóa II/năm 2011. Do thực hiện chính sách tiết kiệm chi tiêu nên trong quý II, quý III/2011 Trung tâm chưa tổ chức được Hội nghị tập huấn kỹ năng TGPL và các chuyên đề pháp luật mới cho các Cộng tác viên TGPL và thành viên Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ TGPL.

Trung tâm đã tham dự đầy đủ các Hội nghị, Hội thảo do Bộ Tư pháp, Cục TGPL, Sở Tư pháp tổ chức như: Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2010; Tọa đàm đóng góp ý kiến vào Thông tư về bình đẳng giới trong TGPL; Hội nghị tập huấn về kỹ năng tham gia xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại về môi trường, Hội nghị 03 năm thực hiện TTLT số 10/2007, 02 năm thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL Nhà nước và Chi nhánh, 03 năm thực hiện Chương trình MTQGGN và tập huấn nghiệp vụ TGPL tại Bình Định....

Công tác tham mưu xây dựng văn bản, công tác khác:

Tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh: phê duyệt Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ngành Tư pháp theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính  Phủ và Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ; ký, ban hành Báo cáo 05 năm triển khai thi hành Luật TGPL và 03 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh. Tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL xây dựng báo cáo 03 năm thực hiện TTLT số 10/2007; báo cáo chương trình phối hợp liên ngành về TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2010 và chương trình công tác năm 2011.

Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết hoạt động CLB TGPL xã thuộc Chương trình MTQGGN giai đoạn 2007 - 2010; Hội nghị giao ban công tác TGPL 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2011. Tổ chức cho các viên chức Trung tâm, các đồng chí phụ trách trưởng Chi nhánh đi học tập kinh nghiệm TGPL tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Xây dựng tình huống tham dự Hội thi TGPL giỏi toàn quốc lần thứ nhất năm 2011 và xây dựng văn bản góp ý các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL theo yêu cầu của Cục TGPL.

Để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Trung tâm, sự phối hợp với các phòng Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền cơ sở trong hoạt động TGPL. Đồng thời có sự quan tâm, chỉ đạo của Cục TGPL, Sở Tư pháp và UBND các cấp. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, công tác TGPL vẫn còn gặp một số hạn chế sau: Nhu cầu về TGPL ngày càng cao, trong khi đội ngũ Trợ giúp viên còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, các Chi nhánh tuy đã có viên chức về làm việc nhưng chưa thể hoạt động độc lập, do đó Trung tâm vẫn phải tăng cường phối hợp trong các đợt lưu động. Mạng lưới Cộng tác viên của Trung tâm hoạt động theo cơ chế phối hợp, bên cạnh đó họ còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp trong công tác TGPL. Ngân sách địa phương dành cho hoạt động chuyên môn còn hạn chế. Đồng thời, theo chỉ đạo của Sở Tư pháp thì Trung tâm còn phải tiết kiệm chi tiêu 10% chi thường xuyên trong Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 nên các hoạt động chuyên môn của Trung tâm hạn chế hơn.

Quý IV năm 2011, Trung tâm duy trì thực hiện tốt các hoạt động TGPL tại văn phòng và trụ sở các Chi nhánh, chú trọng hoạt động TGPL lưu động nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu của người được; cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Tiếp tục triển khai việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện hoạt động TGPL, không ngừng nâng cao chất lượng vụ việc TGPL. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho viên chức Trung tâm, đội ngũ Cộng tác viên mới và các Câu lạc bộ TGPL. Tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các công việc khác theo sự phân công, chỉ đạo của Sở Tư pháp và Cục TGPL.

Thu Trang