Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế góp ý vào dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính

31/08/2007
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp đã tiến hành lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và tổng hợp ý kiến tham gia như sau:

1. Tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 7):

Khoản 3 Điều 7: Nội dung tại khoản này quy định về việc người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ở nội dung này đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc bồi thường thay trong trường hợp người chưa thành niên không có tiền bồi thường, tương tự như trường hợp nộp phạt tại khoản 1 Điều này.

2. Tại khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 23):

a) Điểm b khoản 2 Điều 23: Đề nghị quy định cụ thể hơn về “hành vi lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ”, vì thực tế cách hiêu và xử lý hành vi “lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ” sẽ không thống nhất giưũa các địa phương, đơn vị.

b) Điểm c khoản 2 Điều 23 quy định một trong những đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định. Và điểm b khoản 2 Điều 26 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định một trong những đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh là người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định. Đồng thời quy định: “Không đưa vào cơ sở chữa bệnh người bán dâm dưới 16 tuổi hoặc trên 55 tuổi”. Vậy đối tượng là người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi không có nơi cư trú nhất định sẽ được pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định như thế nào?

3. Khoản 10 Điều 1 Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 31):

a) Tại khoản 5 Điều 31: Đề nghị xem lại chức danh Trưởng đồn công an nhân dân, vì chức danh này thường được gọi là Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.

b) Tại khoản 6 Điều 31: Đề nghị nâng mức phạt tiền thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công an cấp tỉnh lên 40.000.000 đồng, vì đây là mức cao nhất áp dụng cho hành vi vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường thuỷ theo điểm b khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung).

4. Khoản 15 Điều 1 Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 36):

Tại điểm b khoản 3 Điều 36: Đề nghị quy định thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế chỉ được phạt tiền đến 10.000.000 đồng (ngang với thẩm quyền của Trưởng công an cấp huyện).

5. Khoản 18 Điều 1 Pháp lệnh (bổ sung Điều 40a):

a) Tại khoản 2 Điều 40a: Đề nghị thay cụm từ “Đội trưởng Đội Thi hành án dân sự” bằng cụm từ “Trưởng thi hành án dân sự cấp huyện”.

b) Tương tự như trên, đề nghị bỏ từ “phòng” trong cụm từ “Trưởng phòng thi hành án cấp tỉnh”.

6. Khoản 26 Điều 1 Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 57): 

Sau khoản 2 Điều 57: Đề nghị bổ sung thêm khoản mới có nội dung đại ý là: “Mức tiền phạt đối với các chủ thể có thẩm quyền xử phạt tại Pháp lệnh này là thẩm quyền xử phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính”.

7. Khoản 30 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung Điều 76): 

Tại khoản 1 Điều 76 có quy định một trong những thành viên của Hội dồng tư vấn về việc đưa vào trường giáo dưỡng là Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình vè Trẻ em cấp huyện. Tương tự như vậy là quy định tại khoản 1 Điều 94 (được sửa đổi theo quy định tại khoản 32 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh), theo đó, trong những thành viên của Hội dồng tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh là Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình vè Trẻ em cấp huyện. Đề nghị xem xét lại các nội dung này, vì Uỷ ban Dân số - Gia đình và trẻ em đã bị giải thể, các chức năng quản lí nhà nước của Uỷ ban về các lĩnh vực được giao cho các Bộ có chức năng liên quan.

 

Hữu Dũng, Xuân Hải