Những năm đầu Thập kỷ 80 của Thế kỷ XX, Nhà nước ta có chủ trương thành lập hệ thống Cơ quan tư pháp. Ngày 25 tháng 05 năm 1983, Sở Tư Pháp tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) đã được thành lập, với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác tư pháp tại địa phương.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Tư pháp Điện Biên đã không ngừng lớn mạnh và phát triển về mọi mặt, hệ thống các cơ quan Tư pháp cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh cũng dần được thành lập và kiện toàn.
Ngày đầu mới thành lập, Sở Tư Pháp Điện Biên (Lai Châu cũ) chỉ có 8 biên chế, với 3 đảng viên, toàn ngành có tất cả 95 người. Do số lượng cán bộ còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên hoạt động tư pháp gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự đoàn kết và tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ công chức nên Tư pháp Điện Biên đã từng bước vượt qua khó khăn, vững bước đi lên.
Vào những năm 1987, 1988 Nhà nước ta có chủ trương xoá bỏ cơ quan Tư pháp địa phương và chỉ thành lập các phòng chuyên môn trực thuộc UBND cùng cấp. Khi đó Điện Biên là một trong 4 tỉnh trong cả nước còn duy trì tổ chức và hoạt động của cơ quan Sở Tư Pháp. Nhưng, đối với cấp huyện cơ quan Tư Pháp được sáp nhập vào văn phòng UBND.
Sau hai mươi năm thành lập và phát triển, đến năm 2003, toàn ngành có 166 công chức, viên chức với gần 100% công chức, viên chức có trình độ chuyên môn trung cấp, đại học. Ngành luôn quan tâm trẻ hoá đội ngũ cán bộ để có một đội ngũ vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua 8 kỳ đại hội, chi bộ đã có 28 đảng viên; toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị có Phòng Tư Pháp và 156/156 xã, phường, thị trấn có Ban Tư pháp. Trải qua trên 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng ngành Tư Pháp Điện Biên không những lớn mạnh về tổ chức mà còn có đội ngũ cán bộ công chức có tư tưởng, phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Ngành Tư Pháp Điện Biên đã và đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và công tác xoá đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh – chính trị của một tỉnh trọng yếu phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Năm 2004, sau khi tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh: tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu. Với nhiệm vụ và yêu cầu chung của đất nước đó là tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Kế thừa và phát huy các thành tích đã đạt được, Tư pháp Điện Biên luôn cố gắng nỗ lực từng bước ổn định kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục duy trì hoạt động trong hoàn cảnh thiếu biên chế gây khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao. Có thể xem đây là giai đoạn thử thách mới của ngành Tư pháp Điện Biên. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đội ngũ công chức ngành Tư pháp Điện Biên đoàn kết khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực công tác.
Trải qua hơn hai mươi năm trưởng thành và phát triển, Tư pháp Điện Biên hôm nay đã và đang ngày một lớn mạnh: về cơ cấu tổ chức Sở Tư Pháp Điện Biên đã từng bước hoàn thiện bộ máy, Sở đã thành lập thêm một số phòng chức năng mới, như: phòng Thanh tra, phòng Tuyên truyền, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để đáp ứng tốt nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Song song với sự hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức ngày một hoàn thiện hơn về năng lực phẩm chất, toàn ngành có 246 công chức, viên chức. Trong đó, có trên 80% cán bộ, công chức thuộc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên có trình độ đại học. Lực lượng công chức là Đảng viên trong ngành ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 9/9 huyện, thị, thành phố có Phòng Tư Pháp, có 106/106 xã, phường có Ban Tư Pháp.
Trong các năm qua, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã phát huy truyền thống, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng nhiệm vụ được giao. Ngành Tư pháp đã trở thành nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với quán triệt học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc; thực hiện tốt việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; hoạt động bổ trợ tư pháp; làm tốt chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đấu giá tài sản,…. Ngành đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khi thành lập đến nay, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã có 48 cá nhân được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Tư pháp; 204 tập thể và 417 lượt cá nhân được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Bằng khen, được Thủ tướng chính phủ tặng 2 Bằng khen.
Tiếp nối, phát huy truyền thống vinh quang của ngành Tư pháp, thấm nhuần lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về "phụng công, thủ pháp", tinh thần, sức mạnh đoàn kết. Ngay từ đầu năm 2007, công chức ngành Tư pháp Điện Biên đã phát động nhiều phong trào thi đua và có những kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007 và các năm tiếp theo. Mặc dù phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề nhưng ngành xác định đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của ngành. Bằng tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm vượt khó của toàn thể cán bộ công chức ngành Tư pháp Điện Biên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên, ngành Tư pháp Điện Biên sẽ vượt lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, khẳng định mình xây dựng ngành tư pháp ngày một lớn mạnh, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn một tỉnh biên giới của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân./.
Hải Yến