Sở Tư pháp Lạng Sơn với công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998- 2007

20/08/2007
Ngày 26/2/2000 UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Công văn số 225/UB-NC về phân công thực hiện các đề án của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, theo đó Sở Tư pháp được phân công chủ trì đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự”.

Để Đề án được triển khai kịp thời, có hiệu quả, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-TP ngày 16/10/2000 về việc thực hiện Đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự” từ năm 2000 đến năm 2005, thành lập Ban chủ nhiệm đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự”. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh ban hành Quy chế số 1246/QC- LN ngày 17/10/2001 về việc phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự.  

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (HĐPHCTPBGDPL), hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu cho Hội đồng đưa nội dung tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm vào Kế hoạch PBGDPL hàng năm của Hội đồng và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện ở đơn vị mình. Đến nay, sau 9 năm triển khai thực hiện công tác xay dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm của Sở Tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định.

Hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm (VBPQQL)

Rà soát, hệ thống hoá VBQPPL: Sở Tư pháp  đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập tổ chuyên viên rà soát văn bản quy phạm pháp luật ban hành từ ngày 01/01/1997 đến 31/12/1999 và chỉ đạo các huyện, thành phố, các ngành trong tỉnh tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để kịp thời phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo trái với quy định của Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh hoặc do ban hành trái thẩm quyền, kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Từ năm 2000 đến năm 2006, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát 940 VBQPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 1998 đến năm 2007, qua rà soát đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố danh mục các văn bản hết hiệu lực, những văn bản có sai sót về hình thức, nội dung để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ. Ngoài ra, còn rà soát các văn bản của địa phương ban hành để phù hợp với Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tiến hành tập hợp, hệ thống hoá và in 1.770 cuốn hệ thống hoá đăng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 2000 đến hết năm 2006 gửi tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, HĐND và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn làm tài liệu sử dụng.

Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra văn bản Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 160 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 755 VBQPPL do HĐND, UBND các huyện, thành phố gửi đến.

Thẩm định, góp ý, xây dựng VBQPPL: Từ năm 2000 đến 6/2007, Sở Tư pháp đã thẩm định được 221 dự thảo VBQPPL của UBND tỉnh do các Sở, ban ngành ở tỉnh gửi trước khi trình UBND tỉnh ban hành; Góp ý 195 dự thảo văn bản của Trung ương và của tỉnh, trong đó có văn bản liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Giúp HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp các ngành, các cấp và nhân dân vào dự thảo: Luật Đất đai, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung), Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ngành, các cấp tham gia xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Pháp lệnh Giám định tư pháp, Nghị định của Chính phủ về quy chế cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh luật sư; dự thảo chương trình hành động phòng, chống tội phạm mại dâm… với hàng trăm lượt ý kiến tham gia của các đại biểu, các ý kiến đều có chất lượng, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay.

Hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng văn bản QPPL cho cán bộ làm công tác pháp chế ở các sở, ngành, cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tội phạm: Đây là hoạt động trọng tâm trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án II chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Sở Tư pháp.

Ngay từ khi triển khai thực hiện hiện Đề án, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp tập trung tuyên truyền các văn bản liên quan đến công tác phòng chống tội phạm  như Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật dân sự năm 2005; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Hôn nhân gia đình năm 2000; Luật Đất đại năm 2003; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi); Luật phòng chống ma tuý; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh giám định Tư pháp; Pháp lệnh phòng chống mại dâm; Nghị quyết 388/ NQ-UBTVQH về bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố rụng hình sự gây ra; Nghị định số 59/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội...

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu tập trung vào các hình thức sau:

Tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tội phạm thông qua hình thức tuyên truyền miệng

Từ năm 2000 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức được 88 Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý, mại dâm; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống HIV/AIDS cho hơn  4750 lượt người nghe.

Ngoài ra, các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, Báo cáo viên, tuyên truyền viên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền được 32.260 cuộc cho trên 6.325420 lượt người nghe trong đó có nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý...

Tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng

Thông qua chuyên mục “Thông tin pháp luật” trên Báo Lạng Sơn, từ năm 1998 đến nay Sở Tư pháp đã gửi, đăng 1208 tin, bài tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên Báo Lạng Sơn,  hơn 30 tin, bài trên Báo Pháp Luật trong đó có nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã trợ giúp được 5.846 vụ việc, trong đó trợ giúp pháp lý tại văn phòng cho 2.981 vụ việc, trợ giúp lưu động được 1.965 vụ việc với nhiều nội dung pháp luật, trong đó đã tư vấn, phổ biến nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm đến các đối tượng được trợ giúp, đại diện mời Luật sư bào chữa cho hàng trăm đối tượng, phát miễn phí hàng trăm nghìn tờ gấp pháp luật đến nhân dân với nhiều nội dung pháp luật, trong đó có nội dung về phòng, chống tội phạm, ma tuý, phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Từ đầu năm 2001 đến tháng 6/2007 Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh đã trợ giúp được 388 vụ việc liên quan đến tội phạm cướp tài sản, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, tội phạm ma tuý, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em và các tội phạm hình sự khác.

Thông qua chuyên mục “trả lời bạn xem truyền hình” và “trả lời bạn nghe đài” trên sóng phát thanh Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã thụ lý 3.210 đơn, thư hỏi về pháp luật, trong đó trả lời trên sóng 1.356 đơn, hướng dẫn 343 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 855 đơn, lưu 656 đơn thư do nội dung không rõ ràng, trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền, giải đáp pháp luật về phòng, chống tội phạm.

Tuyên truyền về phòng, chống tội phạm thông qua Câu lạc bộ pháp luật

Từ khi triển khai đề án II- Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến nay, Sở Tư pháp đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 04 Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm” tại xã Quang Lang (huyện Chi Lăng), thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), xã Hoàng Đồng và Phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn); 01 Câu lạc bộ “nông dân với pháp luật” xã Yên Trạch (huyện Cao Lộc) và 10 Câu lạc bộ “trợ giúp pháp lý”. Trong hoạt động các Câu lạc bộ  luôn xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức kiện toàn Ban chủ nhiệm khi có sự thay đổi theo đúng hướng dẫn của Sở Tư pháp. Thông qua việc sinh hoạt Câu lạc bộ, đã tuyên truyền, phổ biến  nhiều văn bản, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho các hội viên Câu lạc bộ và nhân dân trên địa bàn, trong đó có pháp luật về phòng, chống tội phạm như Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật tố tụng hình sự; Luật phòng, chống ma tuý; Luật phòng, chống mại dâm...

         

Tuyên truyền, PBGDPL thông qua biên soạn và phát hành tài liệu

Sở đã tổ chức biên soạn và phát hành 1.044160 tờ gấp pháp luật có nội dung về các lĩnh vực pháp luật; phát 30.304 cuốn sách về các lĩnh vực pháp luật phát cho Báo cáo viên pháp luật, hàng nghìn bộ Đề cương tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; biên soạn 622 băng cassette tuyên truyền về Bộ luật dân sự năm 2005 và phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, bảo vệ và phát triển rừng; 141 đĩa CD phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP...sao gửi các xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh làm tài liệu tuyên truyền đến nhân dân.

Từ năm 2003 đến 6/2007 Sở Tư pháp đã giúp Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh mua 18.528 quyển sách pháp luật với số tiền 217.800000đ trang bị cho Tủ sách pháp luật của 226/226 xã, phường, thị trấn.

          PBGDPL về phòng, chống tội phạm thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc thi viết “tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 1999” với gần 30.000 bài tham gia; cuộc thi viết “tìm hiểu Luật Hôn nhân gia đình năm 2000” với 20.000 bài dự thi; cuộc thi “tìm hiểu Bộ luật dân sự năm 2005” với 68.944 bài dự thi; cuộc thi “hộ tịch viên giỏi”, “hoà giải viên giỏi” với hình thức sân khấu hoá đã thu hút được hàng nghìn người tham gia. Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh phát động cuộc thi “tìm hiểu Luật Bảo hiểm xã hội năm 2005”, phối hợp với Tỉnh đoàn phát động cuộc thi “tìm hiểu Luật Thanh niên”. Qua các cuộc thi đã tuyên truyền PBGDPL với nhiều nội dung pháp luật đến cán bộ, nhân dân.

Ngoài ra, thông qua công tác Thi hành án dân sự, Hộ tịch - Bổ trợ Tư pháp đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm, hạn chế và ngăn ngừa tội phạm phát sinh.

Công tác hoà giải ở cơ sở luôn được quan tâm và kiện toàn, thời gian từ 2002 đến nay đã hoà giải thành được 5414/7411 vụ việc (đạt 73%), các Tổ hoà giải đã góp phần hạn chế những tranh chấp phát sinh ra Toà án và những mâu thuẫn, sích mích nếu không được hoà giải kịp thời sẽ rất dễ dẫn tới tội phạm.

Kết hợp công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, tệ nạn xã hội với cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá. Đến nay cơ quan không có cán bộ, công chức vi phạm pháp luật.

Nhìn chung trong những năm qua, việc thực hiện đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự” đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng văn bản pháp quy đã từng bước đi vào nền nếp, kịp thời thẩm định các Dự thảo văn bản QPPL của tỉnh, góp ý 100% Dự thảo văn bản QPPL theo yêu cầu của Trung ương và của các ngành trong tỉnh.

Hoạt động PBGDPL tiếp tục phát huy hiệu quả, đã kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nội dung và hình thức PBGDPL tiếp tục có sự đổi mới phù hợp với thực tế hiện nay. Đã kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng chống tội phạm với phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Trong công tác PBGDPL đã xuất hiện những cách làm có hiệu quả, ngoài những hình thức truyền thống như thông qua cuộc họp, hội nghị theo từng cấp thì Sở Tư pháp đã đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở như trực tiếp tổ chức các Hội nghị triển khai phổ biến tại cơ sở xã, phường, thị trấn; thành lập các Câu lạc bộ về pháp luật; đẩy mạnh hình thức biên soạn và phát hành các loại tài liệu PBGDPL như tờ rơi, tờ gấp, băng cassette, đề cương tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ đã góp phần truyền tải hiệu quả pháp luật vào cuộc sống. Ngoài ra thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết, sân khấu hoá, trắc nghiệm đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm.

Những thuận lợi, khó khăn: Từ khi triển khai thực hiện đề án II- Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm của Sở Tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định, công tác chỉ đạo triển khai tuyên truyền được quan tâm thường xuyên và có hiệu quả.

          Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú thu hút được đông đảo cán bộ và nhân dân ở cơ sở tham gia.Kinh phí dành cho triển khai công tác phòng, chống tội phạm hàng năm đã được Ban chỉ đạo tỉnh quan tâm phân bổ nên đã hỗ trợ tích cực cho việc triển khai có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm chưa được rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL và xây dựng pháp luật. Đội ngũ cán bộ Tư pháp cơ sở nhìn chung còn thụ động, trông chờ ỷ lại vào cấp trên, thiếu sự năng động sáng tạo. Điển hình là mô hình Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” được thành lập tại Phường Chi Lăng- thành phố Lạng Sơn hai năm đầu hoạt động rất hiệu quả nhưng từ năm thứ ba hoạt động không thường xuyên và hai năm nay đã không hoạt động mặc dù được đôn đốc, hướng dẫn. Kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, Hoà giải viên còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng, tập huấn và cung cấp thông tin thường xuyên.

9 năm qua, công tác tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tội phạm của Sở Tư pháp đã đạt được kết quả nhất định, sự am hiểu pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên một bước, tuy nhiên là một tỉnh miền núi biên giới, giáp với nước bạn Trung Quốc tình hình phát triển kinh tế kéo theo các tệ nạn xã hội và tình hình tội phạm phức tạp, vì vậy công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là công tác tuyên truyền ngày càng phải được coi trọng và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa./.

    Đức Khoa