Sở Tư pháp Lạng Sơn với kết quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý 6 tháng đầu năm 2007

11/07/2007
6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền PBGDPL nói chung, công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý nói riêng của Sở Tư pháp Lạng Sơn đã đạt được kết quả đúng như kế hoạch đã được định hướng ngay từ đầu năm.

Với cách thức tuyên truyền qua hình thức mở Hội nghị tuyên truyền tại cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng tổ chức được 3 Hội nghị tuyên truyền phòng chống ma tuý tại 3 xã Hoà Cư (Cao Lộc), Đồng Bục (Lộc Bình), Thượng Cường (Chi Lăng), 10 Hội nghị tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm tại 10 xã của các huyện Bắc Sơn, Đình Lập, Hữu Lũng cho gần 1000 lượt người nghe, phát 900 bộ đề cương tuyên truyền tới đại biểu dự Hội nghị làm tài liệu tuyên truyền.

Biên soạn và phát hành 119 băng catsette tuyên truyền phòng chống ma tuý, phòng chống tội phạm, phòng chống mại dâm gửi các xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh làm tài liệu tuyên truyền đến nhân dân.

Gửi đăng 03 tin, bài trên Báo Pháp Luật trong đó có nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trang tin điện tử của Sở Tư pháp, trong đó có chuyên mục Phổ biến, giáo dục pháp luật đăng tải nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống ma tuý tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân.

Tiếp tục chỉ đạo, duy trì hoạt động 04 Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, 10 Câu lạc bộ “trợ giúp pháp lý” và 01 Câu lạc bộ “ nông dân với pháp luật”. 6 tháng đầu năm, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các Câu lạc bộ  tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động theo tháng, quý, năm, tổ chức kiện toàn Ban chủ nhiệm khi có sự thay đổi. Thông qua việc sinh hoạt Câu lạc bộ, đã tuyên truyền, phổ biến  nhiều văn bản, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho các hội viên Câu lạc bộ và nhân dân trên địa bàn, trong đó có pháp luật về phòng, chống ma tuý như: Luật Phòng, chống ma tuý và các nghị định như Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 5/4/2005 của Chính phủ quy định đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi lưu trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ; Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã trợ giúp pháp lý tại văn phòng cho 167 đối tượng đến yêu cầu với nhiều nội dung pháp luật, trong đó có 9 vụ việc hình sự, qua các vụ việc thụ lý giải quyết đã tư vấn, phổ biến nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống ma tuý đến các đối tượng được trợ giúp, đại diện mời Luật sư bào chữa cho 04 đối tượng, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho 1 đối tượng, ngoài ra Trung tâm còn trợ giúp lưu động được 03 đợt tại các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn và Lộc Bình.

Ngoài ra, thông qua công tác Thi hành án dân sự, công tác Hành chính tư pháp- Bổ trợ Tư pháp, công tác phòng chống tội phạm, mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá đã góp phần tuyên truyền, phổ biến được nhiều quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2007 đơn vị không có cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến tệ nạn và tội phạm ma tuý.

Công tác PBGDPL về phòng chống ma tuý tiếp tục được triển khai một cách chủ động theo đúng định hướng đã đề ra, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý 6 tháng đầu năm của Sở Tư pháp còn một số hạn chế, đó là:

          Kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, Hoà giải viên còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng, tập huấn và cung cấp thông tin thường xuyên.

          Nguyên nhân là do kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và kinh phí chi cho công tác phòng, chống ma tuý nói riêng còn hạn chế.

6 tháng cuối năm 2007, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống ma tuý của trung ương và của tỉnh đang còn hiệu lực thi hành và những văn bản mới được ban hành bằng các hình thức tuyên truyền có hiệu quả như: tuyên truyền miệng của các Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trợ giúp pháp lý, hoà giải cơ sở, sinh hoạt câu lạc bộ...Biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền phòng, chống ma tuý ngắn gọn, dễ hiểu như đĩa CD; tờ gấp pháp luật; sách hỏi đáp pháp luật... để phát cho các đơn vị và nhân dân.

          Tiếp tục phối hợp với phòng Tư pháp các huyện, thành phố lựa chọn một số xã, phường, thị trấn để tổ chức Hội nghị tuyên truyền phòng chống ma tuý, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em theo kế hoạch; giúp Hội đồng PHCTPBGDPL mua sách pháp luật trang bị bổ sung cho Tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn; phối hợp với Tỉnh đoàn TNCSHCM tổ chức thành công cuộc thi “tìm hiểu Luật Thanh niên”./.

Đức Khoa