Vai trò của báo cáo viên pháp luật ở Lào Cai

31/10/2008
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở Lào Cai trong giai đoạn hiện nay có nhiều bước chuyển biến đáng khích lệ, trong bước chuyển biến này có sự đóng góp to lớn của đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở ba cấp tỉnh, huyện, xã góp phần đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống của nhân dân, từng bước giúp dân "xoá đói, giảm nghèo pháp luật", xoá bỏ các hủ tục lạc hậu - xây dựng làng văn hoá, câu lạc bộ văn hoá tạo đà phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương.

Nhằm phát huy vai trò của lực lượng báo cáo viên pháp luật trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, việc xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà trọng tâm là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai, đội ngũ này thường xuyên được Chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định công nhận, củng cố, kiện toàn và cấp thẻ báo cáo viên pháp luật. Tính đến nay số lượng báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh là 1.232 người bao gồm cả đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 144 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là cán bộ của các Sở, ban, ngành đoàn thể ở cấp tỉnh và ở các huyện, thành phố. Trong đó có 123/144 báo cáo viên pháp luật có trình độ đại học đạt tỷ lệ 85% trong đó có 61 báo cáo viên pháp luật có trình độ Đại học luật; 05 báo cáo viên pháp luật có trình độ thạc sỹ số còn lại có trình độ trung cấp. UBND 9/9 huyện, thành phố đã ban hành quyết định công nhận 292 báo cáo viên pháp luật cấp huyện là cán bộ, công chức có trình độ từ trung cấp trở lên đang công tác tại các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của UBND huyện, thành phố và UBND cấp xã; 164/164 xã đã ra quyết định công nhận 712 tuyên truyền viên pháp luật cùng cấp, đội ngũ này được xây dựng trên cơ sở lấy đội ngũ hoà giải viên, trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố làm nòng cốt. Lực lượng báo cáo viên pháp luật là cán bộ làm công tác pháp chế của một số đơn vị lực lượng vũ trang và các trường trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được xây dựng với tổng số 84 báo cáo viên trong đó: Công an tỉnh (12 báo cáo viên); Biên phòng tỉnh (30 báo cáo viên); Quân sự tỉnh (12 báo cáo viên); Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai (05 báo cáo viên); Trường Trung học - Kinh tế kỹ thuật tỉnh (04 báo cáo viên) và Cục Thuế tỉnh (21 báo cáo viên). Tuy nhiên so với yêu cầu công việc thì lực lượng này còn rất mỏng, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này còn chưa được thực hiện thường xuyên, song được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác triển khai. Đặc biệt đã có sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật ở các đơn vị và cơ sở của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cấp huyện, và cấp xã.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho báo cáo viên pháp luật nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền miệng về pháp luật, hàng năm Sở Tư pháp Lào Cai tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (một năm hai đợt), trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, báo cáo viên pháp luật các ngành tham mưu cho lãnh đạo xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân thuộc địa bàn quản lý. Theo số liệu báo cáo của các ngành, các cấp, tính đến ngày 15/10/2008 đã tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật được 5.178 buổi cho hơn 577.547 lượt người tham gia học tập pháp luật. Thông qua các hình thức như: cấp phát 3258 cuốn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp; viết 455 tin bài trên báo, tạp chí và Đài phát thanh truyền hình…

Nhìn lại mấy năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở đã và đang từng bước được cải thiện. Trước đây, khi chưa thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa hình thành đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hầu hết dựa vào cán bộ của Sở Tư pháp, nhiều hội nghị cấp huyện phải mời báo cáo viên của Sở Tư pháp đến truyền đạt, nay về cơ bản việc tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới của các huyện, thành phố, báo cáo viên pháp luật cùng cấp đã đảm đương được, chỉ những văn bản có nội dung phức tạp như thì cấp huyện mới phải mời báo cáo viên của Sở Tư pháp. Đến nay đội ngũ báo cáo viên cấp huyện cũng đã phát huy được vai trò trong công tác triển khai tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. Tuy nhiên, trong điều kiện Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc thì việc củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là một việc làm hết sức cần thiết đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để đội ngũ này phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở cơ sở.

Về cơ chế chính sách: Ngày 04/5/2006 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND về việc ban hành mức chi đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Theo Quyết định có ba mức chi trả cụ thể: Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh: 90.000đồng/ buổi; Báo cáo viên pháp luật cấp huyện: 70.000 đồng/ buổi; Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã: 50.000 đồng/ buổi. Cơ quan, đơn vị nào đứng ra tổ chức Hội nghị tập huấn, Hội nghị tuyên truyền pháp luật thì cơ quan đó đảm bảo kinh phí chi trả thù lao cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo mức chi quy định.

Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã đã được củng cố, kiện toàn, có nhiều đóng góp tích cực tạo sự chuyển biến đáng kể trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm tiếp theo đội ngũ này cần phải phát huy vai trò của mình hơn nữa trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc địa bàn quản lý. Đặc biệt chú trọng triển khai tuyên truyền cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao trình độ nhận thức pháp luật trong nhân dân./.

Nguyễn Thị Vinh