Bắc Giang: Những kết quả nổi bật trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2008

19/06/2008

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 02/02/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt  Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh đã đã tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng năm 2008, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện  để chỉ đạo đến các ngành và Hội đồng phối hợp cấp huyện. Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008 trong đó có giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành,  đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tư pháp các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để tổ chức triển khai, thực hiện cho cả năm 2008.

Hướng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về cơ sở; theo đó tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật do Quốc Hội mới ban hành, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tương trợ Tư pháp, Luật Đặc xá, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hoá chất, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội,  Luật Công chứng, Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,  Luật Đất đai năm 2003, Luật Hôn nhân gia đình, Pháp lệnh dân số và các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ ... Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, thời gian qua Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia của cán bộ, công chức và nhân dân vào dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Thi hành án và một số văn bản pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp. Qua đó, đã đóng góp những ý kiến có giá trị vào các dự thảo để cấp trên xem xét.

 PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng lưới truyền thanh cơ sở: Một trong những hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực là PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng lưới truyền thanh cơ sở. Vì vậy, Sở Tư pháp đã quan tâm và chú trọng tới hình thức tuyên truyền này. Sở Tư pháp phối hợp với Báo Bắc Giang thực hiện 02 chuyên trang "Tư pháp với cuộc sống” chuyên đề kỷ niệm 25 năm thành lập Sở Tư pháp Bắc Giang và công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh, đã đăng tải 210 tin, bài, ảnh nội dung TTPBGDPL và cung cấp 60 tin, bài, ảnh cho các báo trung ương, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp tuyên truyền về hoạt động của HĐPHCTPBGPL tỉnh, câu chuyện an ninh, cảnh giác, về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiến tiến trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ...

Phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành, duy trì đều đặn và chất lượng các chuyên mục pháp luật với nội dung sát thực với cuộc sống, hình thức truyền tải phong phú, tăng thời lượng phát sóng, thu hút đông đảo người xem. Trên sóng phát thanh tỉnh: đã phát 10 chương trình giới thiệu “ Chính sách mới, quyết định mới” và 10 chuyên mục “ Tìm hiểu pháp luật”. Trên sóng Truyền hình  tỉnh phát 90 tin, bài  về phổ biến giáo dục pháp luật trong các chương trình thời sự và 12 chuyên mục “Pháp luật với đời sống” vv... Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Đài Truyền thanh các huyện, thành phố  thực hiện tốt các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Giải đáp pháp luật” trên Đài truyền thanh và trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn.

 PBGDPL thông qua các Hội nghị, lớp tập huấn: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua Hội nghị, các lớp tập huấn là một trong những nhiệm vụ được Sở Tư pháp luôn quan tâm chú ý theo các chương trình đề án và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn mà Sở Tư pháp đã chủ động lựa chọn các văn bản luật cần triển khai tuyên truyền qua hình thức này, đặc biệt như: Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã để tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã; ban hành Kế hoạch tập huấn kiến thức pháp luật cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trong chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo...

Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật: Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi “ Hoà giải viên giỏi năm 2008” cho  đối tượng là hoà giải viên trong toàn tỉnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng pháp luật, kinh nghiệm cho hoà giải viên ở cơ sở, thúc đẩy giao lưu văn hoá, trao đổi kinh nghiệm trong đội ngũ  hoà giải viên ở cơ sở.

 Xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật: Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có Tủ sách pháp luật với gần 300 đầu sách các loại. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã rà soát lên danh mục sách pháp luật cần trang bị, khảo sát nhu cầu sử dụng sách và rà soát văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để xây dựng kế hoạch cấp phát sách cho các tủ sách pháp luật. Trong Quý I/2008, Sở Tư pháp đã cấp phát mới 52 đầu sách pháp luật cho mỗi tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật ở UBND các xã đến các Điểm Bưu điện văn hoá xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tra cứu, tìm hiểu pháp luật một cách thuận tiện, dễ dàng.

 Thực hiện Thông tư liên tịch số 02/TTLT-BTP-BCA-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 07/6/2006 về  hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo việc xây dựng, khai thác, sử dụng sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã có tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật phục vụ việc nghiên cứu của cán bộ, công chức và nhân dân.

 PBGDPL thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật: Toàn tỉnh có 175 Câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm” với hơn  5000 hội viên tham gia, 38 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Thông qua Câu lạc bộ, các hoạt động như in phát tờ gấp, tài liệu pháp luật, phối hợp với Công an phường, xã, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đã thực hiện tốt việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục cảm hoá được nhiều đối tượng nghiện ma tuý, phát hiện nhiều ổ nhóm tiêm chích ma tuý báo cáo với các cơ quan chức năng để xử lý. Hoạt động của các câu lạc bộ đã góp phần nâng cao hiểu biết của hội viên về chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, hoạt động của câu lạc bộ cũng là nơi thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia đặc biệt là các thanh thiếu niên góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bài trừ các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư nơi có câu lạc bộ hoạt động.

 PBGDPL thông qua tư vấn pháp luật và hoạt động trợ giúp pháp lý: 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thụ lý, giải quyết trên 127 vụ việc tại trụ sở, đã tổ chức 18 đợt  trợ giúp lưu động tại các xã, thị trấn, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; tư vấn, đại diện, bào chữa, tham gia tố tụng cho 296 đối tượng chính sách. Thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân thông qua các hoạt động Trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý với Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Hội Nông dân trong việc tuyên truyền và thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng, đồng thời chỉ đạo các tổ cộng tác viên TGPL thực hiện nội dung các chương trình phối hợp này. Phối hợp với Đài PT- TH tỉnh thực hiện 02 chuyên mục “Pháp luật với cuộc sống” với chuyên đề trợ giúp pháp lý.

PBGDPL thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở: Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã hoàn thành việc kiện toàn các tổ hoà giải và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải cho các thành viên tổ hoà giải. Toàn tỉnh hiện có 2563 tổ hoà giải với 16.923 thành viên; Các tổ hoà giải đã góp phần quan trọng vào việc hoà giải những vụ việc, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế các đơn thư vượt cấp; Kết quả: 6 tháng đầu năm 2008, các tổ hoà giải trong toàn tỉnh đã tiếp nhận 1918 vụ việc, tổ chức hoà giải thành 1629 vụ việc, đạt 84%. Làm tốt công tác này là ở các huyện: Yên Thế hoà giải thành đạt 84 %;  Lục Ngạn hoà giải thành đạt 93% …

PBGDPL thông qua biên soạn tài liệu:Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật vừa là một hình thức, đồng thời cũng là phương tiện góp phần nâng cao hiệu quả của công tác PB,GDPL nhờ đó pháp luật dễ dàng đến với đối tượng được tiếp cận dù ở thành phố hay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bằng hình thức này, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 04 số Bản tin Tư pháp, mỗi tháng phát hành một số với các chủ đề mừng Đảng, mừng xuân; kỷ niệm 25 năm thành lập Sở Tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hành chính tư pháp và bổ trợ Tư pháp; qua đó đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước,  các văn bản của Tỉnh uỷ, UBND phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nhằm ôn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp, động viên cán bộ, công chức trong ngành, Sở Tư pháp biên soạn và phát hành cuốn " Tư pháp Bắc Giang 25 năm xây dựng và trưởng thành"; Bên cạnh đó, Sở còn biên soạn  tài liệu tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã với các nội dung nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật và hoà giải ở cơ sở, nội dung cơ bản của Luật khiếu nại, tố cáo; nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch; nghiệp vụ công tác chứng thực ở xã, phường, thị trấn; kỹ năng Trợ giúp pháp lý. In và phát hành 35 bộ đĩa tuyên truyền pháp luật về những tình huống pháp luật thường gặp trong đời sống hàng ngày cung cấp cho các huyện, thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời nghiên cứu, đánh giá hiệu quả tuyên truyền về hình thức này.

Ngoài các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hệ thống Báo điện tử, cổng thông tin trên mạng Internet, đĩa luật cũng được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Hà Thanh Thu