Lạng Sơn: Thực hiện đề án “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” năm 2008.

21/02/2008
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 240/KH-STP ngày 14/3/2006 của Sở Tư pháp về triển khai thực hiện đề án: “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” giai đoạn 2006-2010, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện đề án năm 2008.

Với mục đích, yêu cầu là nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật và trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm. Góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Xác định công tác PBGDPL về phòng, chống tội phạm cần phải được thực hiện đồng bộ với các chương trình, đề án khác về PBGDPL, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và phải được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp.

Hoạt động nghiên cứu, đề xuất, góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm phải được thực hiện kịp thời, phát hiện những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ. 

Kế hoạch đã xác định nội dung cần phải thực hiện năm 2008 là:

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Bộ Luật Hình sự năm 1999; Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003; Bộ Luật Dân sự năm 2005; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Luật Trợ giúp pháp lý; Pháp Lệnh phòng, chống mại dâm; Pháp Lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH 11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; Nghị định 59/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; Nghị định 60/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; Nghị định 61/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; Nghị định 150/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự; Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...và các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những địa bàn có diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm.

Nghiên cứu đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến thẩm định văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Hình thức thực hiện bào gồm:

Phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: thông qua chuyên mục “trả lời bạn nghe đài”, “trả lời bạn xem truyền hình” trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, thông qua chuyên mục “thông tin pháp luật” trên Báo Lạng Sơn và qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương về phòng, chống tội phạm đến các tầng lớp nhân dân.

Thông qua Website của Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật các tin bài và văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm.

Biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật như: tờ gấp pháp luật, đĩa CD, băng cassette, đề cương tuyên truyền có nội dung phòng, chống tội phạm cấp phát miễn phí cho các đơn vị, địa phương làm tài liệu tuyên truyền.

Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, ‘trợ giúp pháp lý”, “nông dân với pháp luật” phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các Ban hoà giải xã, phường, thị trấn, Tổ hoà giải ở thôn, bản, khối phố lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh trang bị bổ sung các đầu sách pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm phát cho Tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn; Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân. 

Tiếp tục nghiên cứu, góp ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; thẩm định, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để kịp thời kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huỷ bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung.

Để thực hiện được tốt kế hoạch, Sở Tư pháp xác định biện pháp thực hiện là phải tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh đưa việc triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật có nội dung phòng, chống tội phạm vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 của Hội đồng và chỉ đạo triển khai tuyên truyền đến cơ sở; Phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh có liên quan tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật về phòng, chống tội phạm. Đặc biệt phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh thực hiện tốt chương trình phối hợp liên ngành về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Phụ nữ và Nông dân trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm cho lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, Cộng tác viên tuyên truyền pháp luật, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý; Kết hợp công tác phòng, chống tội phạm với công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; phòng, chống ma tuý; phòng, chống mại dâm; phòng, chống HIV/AIDS và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; Phối hợp với UBND huyện, thành phố tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm tại cơ sở; Tăng cường hoạt động PBGDPL và trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn trọng điểm, các xã vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Hoạt động thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện thường xuyên  hoặc theo yêu cầu của Trung ương, tỉnh; kiểm tra, rà soát được lồng ghép với chương trình kiểm tra, rà soát của UBND tỉnh, trong đó tập trung vào các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm.

Để tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch, Giám đốc Sở đã giao cho Phòng PBGDPL có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Sở và Ban chủ nhiệm đề án hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL về phòng, chống tội phạm theo kế hoạch; Phòng Văn bản pháp quy và Phòng Kiểm tra văn bản QPPL phối hợp tham mưu cho Lãnh đạo Sở thực hiện tốt việc xây dựng, góp ý, thẩm định, rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; Trung tâm trợ giúp pháp lý, lồng ghép việc phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của đơn vị mình; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Lạng Sơn trên cơ sở Kế hoạch của Sở và tình hình thực tế ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác PBGDPL về phòng, chống tội phạm cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, thành phố Lạng Sơn./.

Đức Khoa