Ninh Bình: Qua 9 năm thực hiện Thông tư 07/1999/TTLT-BTP-BCA về cấp phiếu lý lịch tư pháp

16/05/2008
Vừa qua, Sở Tư pháp Ninh Bình đã hoàn thành Báo cáo về tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 về cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Công văn số 1045/BTP-HCTP ngày 10/4/2008 của Bộ Tư pháp.

Tại Ninh Bình, việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân không ổn định, những năm sau đều có nhu cầu tăng hơn so với năm trước. Qua việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư 07 cho thấy, hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp đều được thực hiện chính xác đúng quy trình không có trường hợp nào khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi cho công dân khi có yêu cầu. Một số trường hợp đương sự có tiền án nhưng đã đủ điều kiện để được đương nhiên xoá án tích hoặc được xoá án tích có điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự đều được cán bộ phụ trách hướng dẫn làm thủ tục yêu cầu toà án nhân dân có thẩm quyền xoá án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và cấp phiếu lý lịch không có tiền án tiền sự.

Thực hiện cải cách hành chính theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” gồm Quy chế về tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và Quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một của” tại Sở Tư pháp trong đó có lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp. Quy trình, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, số tiền thu lệ phí được niêm yết công khai tại trụ sở của Sở Tư pháp (Phòng Hành chính và bổ trợ tư pháp), Công dân đến yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đều được hướng dẫn tỉ mỉ, thực hiện nghiêm túc việc thụ lý, thu nộp tiền lệ phí và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân khi có kết quả trả lời của cơ quan Công an.

Có thể nói được sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 cơ quan Công an và Tư pháp cùng với đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ có năng lực, trình độ chuyên môn tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh đó pháp luật vè cấp phiếu lý lịch tư pháp quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hồ sơ của người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đơn giản, rõ ràng, cụ thể do vây hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Ninh Bình những năm qua luôn đảm bảo tính chính xác, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công dân. Kết quả qua 9 năm thực hiện, Sở Tư pháp Ninh Bình đã thụ lý hồ sơ và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 3748/3748 trường hợp không có tiền án (trong đó: năm 1999 có 46 trường hợp, 2000 có 309 trường hợp, năm 2001 có 76 trường hợp, 2002 có 122 trường hợp, 2003 có 129 trường hợp, 2004 có 213 trường hợp, 2005 có 317 trường hợp, 2006 có 735 trường hợp, 2007 có 1531 trường hợp). Có 1556 trường hợp bổ túc hồ sơ xuất cảnh, 1775 trường hợp xuất khẩu lao động, 91 trường hợp xin việc làm trong nước, 5 trường hợp thành lập doanh nghiệp, 51 trường hợp mục đích khác. Có thể nói nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Ninh Bình năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2007  gấp đôi so với năm 2006.

 Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại sau:

Thứ nhất quy định về cấp phiếu lý lịch tư pháp cho thấy nhu cầu sử dụng LLTP xuất phát chủ động từ phía người dân bởi đây là loại giấy tờ pháp lý giúp cá nhân chứng minh về nhân thân của mình khi tham gia một số quan hệ nhất định. Tuy nhiên, Sở Tư pháp chỉ hướng dẫn, thụ lý và trả kết quả khi có trả lời của cơ quan Công an vì vậy phụ thuộc vào thời gian Công an tra cứu hồ sơ quá nhiều nhất là những trường hợp đương sự có thời gian học tập, công tác tại tỉnh ngoài hoặc đã đi nước ngoài. Các trường hợp đó cơ quan Công an Ninh Bình phải gửi công văn và hồ sơ lên Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thuộc bộ Công an (C27) để  tra cứu. Do vậy thời gian có thể kéo dài, trên thực tế đã có một số trường hợp không đảm bảo thời gian theo quy định của Thông tư số 07 cũng như yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Thứ hai về  hiệu lực pháp lý của phiếu LLTP, Thông tư 07 không quy định vì vậy đã gây khó khăn cho công dân do việc áp dụng  khác nhau của các cơ quan yêu cầu, tiếp nhận cấp phiếu LLTP, Ví dụ làm thủ tục xuất cảnh đi Cộng hoà Séc thì giá trị sử dụng của phiếu LLTP là 3 tháng, khi hết hạn mà đương sự chưa làm xong thủ tục xuất cảnh thì lại phải làm thủ tục cấp phiếu LLTP lần đầu, lệ phí và thời gian cấp vẫn như trước, có trường hợp phải làm đi làm lại nhiều lần mới xong.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân và nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ  trong việc thực hiện cải cách tư pháp nói chung, cải cách hành chính tư pháp nói riêng thì pháp luật cần quy định chuyển giao nhiệm vụ xây dựng tàng thư căn cước cho cơ quan tư pháp để chủ động cấp phiếu LLTP cho công dân.

Hiện tại để khắc phục những tồn tại và tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý LLTP, Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về cấp phiếu LLTP cho phù hợp với tình hình hiện nay theo hướng rút  ngắn thời gian tra cứu hồ sơ tại bộ Công an và Công an tỉnh. Khi đương sự xin cấp phiếu LLTP từ lần thứ 2 trở đi thì cơ quan Công an có thể căn cứ vào phiếu LLTP và kết quả trả lời của cơ quan Công an đã cấp lần trước làm căn cứ rút ngắn thời hạn tra cứu và cấp lý lịch tư pháp cho những lần sau. Nếu thời hạn giữa lần cấp trước với lần cấp sau là liên tục thì không cần gửi hồ sơ lên Cục lưu trữ Bộ Công an tra lại từ đầu.

Thứ hai cần quy định cụ thể hơn nữa về thời gian của cơ quan Công an tỉnh trong việc gửi hồ sơ lên cơ quan  C27 - Bộ Công an và thời gian trả lời kết quả tra cứu cho Sở Tư pháp, mặt khác cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc chậm trả lời kết quả cấp phiếu LLTP cho công dân.

Hiện nay các trường hợp đi lao động tại Đài Loan không qua cơ quan Sở Tư pháp mà cơ quan Công an tỉnh trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ và cấp Giấy xác nhận không có tiền án, thực chất là việc cấp phiếu LLTP, việc thu lệ phí và tỷ lệ trích lại cho cơ quan cấp giấy xác nhận không tiền án có khác so với việc cấp phiếu LLTP. Đề nghị cần có sự thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, Bộ Tài chính về những nội dung trên.

Bên cạnh đó hàng năm Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với Bộ Công an cần tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác cấp phiếu LLTP trên toàn quốc.

Thiều Thị Tú